Trong những năm qua, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệpcủa tỉnh Hà Tĩnh có bước phát triển khá nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 27,81%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 23,61% vào năm 2017; riêng năm 2018 giá trị sản xuất tăng 1,87 lần so với năm 2017; tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2018 chiếm 33,9%. Đó là sự đóng góp của gần 700 doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực công nghiệp và 13.700 hộ sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; trong giai đoạn 2014-2018, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 15,5 tỷ đồng với hàng trăm dự án đươc thực hiện tại huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh và nguồn vốn đối ứng của các cơ sở CN-TTCN đầu tư trên 141,6 tỷ đồng để thực hiện các đề án, dự án
Đối với khuyến công quốc gia: Thông qua các chính sách của Trung ương như Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương lựa chọn các dự án, đề án đề nghị hỗ trợ khuyến công quốc gia; giai đoạn 2014-2018 đã đề nghị hỗ trợ 14 đề án với tổng kinh phí khuyến công quốc gia gần 6,1 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các nội dung như xây dựng 08 mô hình trình diễn kỹ thuật với kinh phí 2,265 tỷ đồng; hỗ trợ 03 dự án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với kinh phí 600 triệu đồng; hỗ trợ 01 dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp với kinh phí 3 tỷ đồng và một số dự án hỗ trợ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp… Ông Trần Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty CP Đầu tư IDI, chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Thái Yên (mở rộng) cho biết: “Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn nhiều, thời gian thu hồi vốn chậm, do đó việc dự án đầu tư và khai thác hạ tầng Cụm công nghiệp Thái Yên được hỗ trợ đầu tư hạ tầng với số tiền 03 tỷ đồng, sẽ góp phần giảm bớt một số khó khăn trong quá trình đầu tư, khai thác dự án cụm công nghiệp”
Đối với khuyến công địa phương: Nhận thức được việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực công nghiệp đã được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, thực hiện. Giai đoạn 2014-2018, đã xem xét hỗ trợ 102 dự án với tổng kinh phí 9,4 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các nội dung như: hoạt động đào tạo nghề, đào tạo nâng cao tay nghề và hỗ trợ hội thi nâng cao tay nghề; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; tổ chức khởi sự doanh nghiệp tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; hỗ trợ các cơ sở tổ chức, tham gia các hội chợ; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm… Đây chính là động lực, là đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị theo hướng hiện đại. Điều đáng nói là trong số các đề án hỗ trợ, ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã giúp nhiều ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm; vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ, dệt may… đã tăng năng suất sản xuất 10% - 30% và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, lợi nhuận cũng tăng từ 10% - 20%. Giám đốc HTX Hải Hà Lê Tiến Hải (Lộc Hà) chia sẽ: “Được kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng, tôi đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị vào sản xuất, sữa chữa tàu thuyền với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Nguồn vốn đã kịp thời giúp HTX chúng tôi thuận tiện trong sản xuất, sữa chữa tàu tàu, vừa tiết kiệm thời gian, công sức của công nhân vừa mở rộng quy mô của HTX; nếu trước đây, HTX chúng tôi chỉ sửa chữa được tàu, thuyền nhỏ với trọng tải từ 400-500 tấn thì hiện nay với công nghệ mới, có thể sửa chữa được tàu, thuyền trọng tải gần 2.000 tấn”. Còn Hộ sản xuất Trương Quốc Dũng - chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Được khuyến công địa phương hỗ trợ 105 triệu đồng, tôi đã đối ứng thêm hơn 250 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy, máy tráng bánh và một số thiết bị khác để phục vụ sản xuất bánh bánh đa nem; nhờ đó cơ sở sản xuất chúng tôi đã tăng năng suất lên 30% so với lúc chưa đầu tư; trước đây cứ đến mùa mưa rét là nghỉ nhưng giờ có hệ thống máy tráng, máy sấy rồi đã sản xuất được quanh năm. Nguồn vốn khuyến công đã kịp thời hỗ trợ cho chúng tôi trong lúc khó khăn về vốn”.
Ngoài những nội dung hỗ trợ bằng tiền đối với từng dự án, thời gian vừa qua, Sở Công Thương đã trích kinh phí khuyến công địa phương tổ chức nhiều cuộc tập huấn triển khai các quyết định của Trung ương, của tỉnh và chính sách khuyến công của Đảng, Nhà nước đến tận các địa phương, cơ sở để áp dụng.
Hiệu quả đạt được từ hoạt động khuyến công trong thời gia qua đã được khẳng định. Đó là, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, bên cạnh việc góp phần tăng cường sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, còn có tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đó là sự khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở sản xuất trong phát triển kinh tế, giúp cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp vững tin trong quá trình đầu tư. Nguồn khuyến công của tỉnh đang tập trung hỗ trợ các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản và các dự án thực hiện ở các xã đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn hỗ trợ này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nông thôn và quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Lộc khẳng định: “Hoạt động khuyến công trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tạo diện mạo mới cho các cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp khi nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công đều đã đi vào hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động; những điều này đã đóng góp chung vào sự phát triển của ngành Công Thương Hà Tĩnh".
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng hoạt động khuyến công vẫn còn một số khó khăn, tồn tạn trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa thật sự hiểu rõ ý nghĩa của các nội dung hỗ trợ; công tác tiếp cận cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn do doanh nghiệp chưa thực sự phối hợp, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của đề án; do cơ sở sản xuất chủ yếu là nhỏ, lẽ nên việc lập đề án sản xuất để ghi vào kế hoạch năm sau gặp khó khăn, phương án sản xuất kinh doanh bị động, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố: tiền vốn, mặt bằng sử dụng đất, giá cả thiết bị máy móc cần mua sắm…Bên cạnh đó, nhiều cơ sở không sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc thực hiện có nhiều hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã hàng hóa sản phẩm đơn vị mình hạn chế. Việc đăng ký mã số mã vạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình với tư tưởng chờ hưởng nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ. Công tác tổ chức xét chọn các đề án khuyến công khó khăn, còn tồn tại tình trạng nộp hồ sơ chậm, hồ sơ không hợp lệ, không đúng đối tượng theo quy định. Công tác sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế về nội dung và kinh phí thực hiện...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò công tác thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ chính sách khuyến công: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. Vận động các doanh nghiệp lớn hỗ trợ cho hoạt động khuyên công và động viên doanh nhân tích cực tham gia hoạt động khuyến công; tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin giữa hoạt động khuyến công cấp tỉnh với khuyến công cấp huyện, khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, những nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung hoạt động khuyến công hàng năm nhằm triển khai thực hiện hiện mang lại hiệu quả cao.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về khuyến công: Tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để bổ sung điều chỉnh hoàn thiện cho phù hợp yêu cầu hiện nay, tăng thêm hỗ trợ nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm bớt các thủ tục hành chính… Ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn của tỉnh còn được hưởng một số chế độ ưu đãi riêng theo cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh như: Ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp với mục tiêu sản xuất, thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề…
Thứ ba, huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công: Chủ động, tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Ưu tiên dành kinh phí thích đáng để hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và khuyến công nói riêng theo Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về một số một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan và các nguồn vốn xã hội hóa tham gia vào chương trình khuyến công. Ủy ban nhân dân các cấp, các sở ngành liên quan lập hoặc bổ sung kế hoạch ở cấp ngành mình, lồng ghép phối hợp với chương trình khuyến công của tỉnh, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát cấp dưới, cơ sở triển khai mạnh mẽ hoạt động khuyến công, tạo ra bước đột phá thúc đẩy phát triển CNNT trong tỉnh; bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh theo pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và vốn vay.
Thứ tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở sản xuất: Tăng cường tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN tìm hiểu, hợp đồng mua máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Khuyến khích hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất công nghiệp nông thôn. Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường giải pháp SXSH trong công nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm để củng cố thị trường trong nước, đồng thời luôn chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến hành tìm hiểu, khảo sát thị trường ở nước ngoài thông qua việc tham gia các kỳ hội nghị, hội chợ, triển lãm để từ đó có những hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp.
Thứ năm, hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ: Tăng cường tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN tìm hiểu, hợp đồng mua máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở; Khuyến khích hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất Công nghiệp nông thôn. Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường giải pháp SXSH trong công nghiệp.
BBT