Để khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch, ngành VH-TT&DL Nam Định đã đưa ra không ít các giải pháp trong đó chú trọng việc bảo tồn những giá trị này.

Theo thống kê, Nam Định có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa.

Các làng nghề truyền thống hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề) và văn hóa phi vật thể (kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng).

Dựa vào điều kiện phát triển và điều kiện tự nhiên, các làng nghề đã kết nối, hình thành được các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách như tìm hiểu văn hóa bản địa với các tuyến du lịch điền dã mà điểm đến là Bảo tàng Đồng quê, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy); Tham quan làng nghề làm nước mắm Sa Châu, trải nghiệm Homestay (nghỉ tại nhà dân); Trải nghiệm làm diêm dân trên cánh đồng muối Văn Lý, kết hợp chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà thờ đổ Hải Lý, thưởng thức đặc sản vùng quê biển (Hải Hậu);…

Ngoài việc tham quan các di sản của các làng nghề, du khách còn được tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của làng nghề truyền thống. Mỗi làng đều có truyền thuyết, lưu giữ được các thư tịch cổ kể về những vị tổ nghề.

Trên cơ sở những giá trị to lớn của các làng nghề truyền thống, việc phát triển các sản phẩm du lịch kết nối giữa làng nghề với lễ hội và di tích, danh thắng; giữa làng nghề với làng nghề ở Nam Định đã có những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, ngành VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã đưa ra các giải pháp trọng tâm để khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch như: Nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân; Chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống.

Theo ngành VH-TT&DL Nam Định, tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách.

Việc hình thành các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giúp du khách có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tế; thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách cũng đã được đưa ra.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về các làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức các đoàn khảo sát với các chuyên gia đến các làng nghề truyền thống để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hình thành các tuyến, điểm du lịch có sức hấp dẫn.

Theo Làng nghề Việt