Xin ông cho biết, điểm yếu của sản phẩm làng nghề hiện nay và ưu điểm nào của mỹ thuật ứng dụng có thể giúp khắc phục hạn chế này?
Khu vực làng nghề hiện có rất nhiều sản phẩm độc đáo, cung cấp một lượng lớn hàng hóa cho xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy vậy, sản phẩm của làng nghề hiện mới chỉ chiếm được thị trường giá rẻ, nên thu nhập của người dân làng nghề rất thấp. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn cho phát triển nghề như không dự trữ nguyên liệu, phụ thuộc vào thương lái, chi phí đầu vào tăng cao. Công tác đào tạo cũng không thể thực hiện với quy mô lớn, bài bản; không có điều kiện mời các chuyên gia hay những người có thể hướng dẫn tổ chức sản xuất, kỹ năng làm thương mại. Cũng chính bởi thu nhập thấp, việc tìm kiếm thị trường của các làng nghề rất hạn chế.
Điều cần quan tâm nhất hiện nay vẫn là nâng giá trị của sản phẩm làng nghề. Muốn vậy, phải tập trung vào cải thiện thiết kế sản phẩm, trong đó yếu tố công nghệ và thẩm mỹ giữ vai trò chủ chốt. Về yếu tố thẩm mỹ, mỹ thuật ứng dụng sẽ tác động tới hình thức của sản phẩm khi giúp khai thác được vẻ đẹp nguyên liệu, thậm chí là tạo ra sự độc đáo từ nguyên liệu rất đơn giản và tính toán sao cho hình dáng sản phẩm đẹp, tiện dụng, kết cấu kỹ thuật cũng bền chắc hơn.
Đặc biệt, các nhà mỹ thuật sẽ giúp sản phẩm làng nghề bắt kịp xu hướng màu sắc của thế giới theo từng năm, thậm chí từng mùa và có thể tạo ra những hoa văn mới để đưa vào sản phẩm, thể hiện rất rõ trong sản phẩm gốm, thêu.
Có thể nói, mỹ thuật ứng dụng có khả năng tạo ra bước cải tiến lớn cho sản phẩm làng nghề. Tuy vậy, việc đưa mỹ thuật ứng dụng vào sản phẩm rất khó khăn, trong đó thiếu vốn để thuê thiết kế mẫu mã là một trở ngại lớn, ông nghĩ sao về thực trạng này?
Khả năng thuê họa sỹ, nhà chuyên môn để đưa thẩm mỹ vào nghề thủ công không phải quá khó khăn, thiếu tài chính chỉ là một phần, chủ yếu do nhận thức. Rất nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại hiện vẫn kinh doanh theo lối "dìm giá" để được hưởng lợi nhuận cao nhất có thể, như vậy sẽ không bao giờ có được sản phẩm đẹp. Tại các làng nghề hiện nay, rất hiếm doanh nghiệp táo bạo kinh doanh mặt hàng đặc biệt, độc đáo. Chính vì vậy, làng nghề không có cơ hội tạo ra những sản phẩm đẹp cho thị trường.
Thông qua Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc hay nhiều cuộc thi về thiết kế mẫu mã thủ công mỹ nghệ, có thể thấy khả năng của nghệ nhân ở làng nghề rất lớn. Mỗi năm, các nghệ nhân có thể tạo hàng nghìn mẫu mới, đẹp nhưng rất khó bán do không có khả năng tiếp cận những người có nhu cầu.
Vậy, để tháo gỡ những bất cập này cho làng nghề cần phải làm gì?
Để tháo gỡ những bất cập, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh vấn đề tín dụng, chính sách khác cho phát triển sản phẩm, nhà nước cần có giải pháp về mặt xã hội như việc làm, nông thôn mới… để hỗ trợ toàn diện cho làng nghề phát triển.
Mới đây, Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) đã được thành lập. Đây là ý tưởng tốt, rất cần được ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Nhà nước có thể ủng hộ thông qua hoạt động của viện, đăng ký những đề tài nghiên cứu để tạo sự hỗ trợ thiết thực cho làng nghề.
Khía cạnh khác, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế đang rất phổ biến nhưng đối với sản phẩm làng nghề sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, trình độ người dân thấp, kinh phí hạn chế. Một điều nữa, làng nghề chủ yếu sản xuất theo truyền thống, công nghệ có làm mất truyền thống hay không còn phải bàn, bởi truyền thống dựa trên thói quen chứ không phải dựa trên phát kiến. Nhưng công nghệ thông tin sẽ giúp làng nghề, thậm chí cả quốc gia, xây dựng các bảo tàng lưu giữ tốt nhất tinh hoa của làng nghề và nghề truyền thống.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn