Về công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2018 và cấp quốc gia năm 2019: Tỉnh có sản phẩm tham gia 15/233 sản phẩm CNNTTB khu vực phía Nam năm 2018 (chiếm 6,44%); trong đó có 07/108 sản phẩm được bình chon (chiếm 6,49%). Hiện đang tổ chức thực hiện công tác bình chọn SPCNNTTB cấp quốc gia năm 2019, tỉnh đăng ký tham gia 06/226 SPCNNTTB cấp quốc gia 2019 (chiếm 2,66%), trong đó Tiền Giang dự kiến có 02/110 SP được bình chọn (chiếm 1,82%); dự kiến tháng 9/2019 sẽ tổ chức Lễ tôn vinh và hội chợ SPCNNTTB cấp quốc gia năm 2019 tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội.
Về doanh nghiệp: Trong 3 năm (2016 - 2018), có 1.930 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh đến cuối tháng 4-2019 là 5.294 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô vốn của doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, giảm nghèo… Về vấn đề đối thoại với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương cố gắng giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất theo quy định của pháp luật; riêng những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ họp cùng với các sở, ngành và địa phương để trả lời sớm nhất cho doanh nghiệp; những trường hợp bức xúc, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp xuống kiểm tra và chỉ đạo xử lý ngay. Thời gian tới, Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trực tiếp xuống các khu, cụm công nghiệp để tiếp xúc và đo sự hài lòng của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, hỗ trợ UBND tỉnh trong phát triển doanh nghiệp; ngoài ra, hằng năm, tỉnh sẽ đảm bảo duy trì 02 hội nghị đối thoại doanh nghiệp, HHDN làm cầu nối để tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp…
Về kinh tế tập thể: Tính đến cuối tháng 6/2019, tỉnh Tiền Giang có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 182 HTX và quỹ TDND đang hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh; có 120/144 xã có HTX, 05/07 thị trấn và 12/22 phường có HTX. Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/ TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; có đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nhiều mô hình liên doanh, liên kết: Liên minh HTX tỉnh là đơn vị đầu mối sử dụng nguồn ngân sách đã tổ chức 148 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho 14.888 lượt cán bộ quản lý, chuyên môn cho cán bộ HTX; 26 lớp trung cấp kế toán cho 1.627 học viên là cán bộ, con em thành viên, người lao động trong khu vực KTTT; đào tạo 46 cán bộ trung cấp ngân hàng cho các quỹ TDND; 51 cán bộ dự nguồn cho chức danh giám đốc HTX và 02 cán bộ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Các sở, ngành và địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ HTX nông nghiệp, nâng cao kỹ năng sản xuất hàng hóa, kiến thức thị trường sản phẩm nông nghiệp, phương thức canh tác theo VietGAP, GlobalGAP và hướng dẫn cụ thể đối với từng loại cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2013 - 2018, Liên minh HTX tỉnh, phối hợp với các sở, ngành và địa phương... hỗ trợ cho 194 lượt HTX tham dự các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho hơn 100 HTX tham gia trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm của HTX tại TP.HCM và Hà Nội. Liên minh HTX tỉnh đã ký Chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN và các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ khu vực KTTT liên kết ứng dụng KH-CN và thúc đẩy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giai đoạn 2017 - 2020.
Tích cực giải quyết các vấn đề xã hội: Đồng thời, xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết kinh tế giữa các HTX với các DN, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Một số HTX đã thành lập DN và một số doanh nghiệp là thành viên của HTX. Nhiều HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Các HTX tiểu thủ công nghiệp từ chỗ xuất khẩu hàng hóa qua trung gian đến nay đã trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp nông thôn.
Theo kế hoạch, Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 200 HTX, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có HTX, có trên 80% cán bộ chủ chốt của HTX được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, trên 80% HTX đạt khá, giỏi, không có HTX yếu kém.
Huy Quang