Đại dịch gây ra bởi virus SARS-CoV-2 đã gây ra những hậu quả chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Với Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, tăng trưởng kinh tế quý II/2020 sẽ không còn khả quan như quý I do kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn từ dịch COVID-19.
Một vấn đề đặt ra là, Việt Nam sẽ lựa chọn mô hình kinh tế nào sau đại dịch này?
Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, kịch bản cơ sở trong dự báo ngày 3/4 của ADB cho hay, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 là 4,8%. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á.
Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, trong lúc nền kinh tế thực dựa trên các mối quan hệ trực tiếp giữa người và người bị gián đoạn, thì nền kinh tế số, dựa trên các mối tương tác qua môi trường Internet, đã phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử, dịch vụ phân phối, giáo dục, các hoạt động giao tiếp kinh doanh qua mạng, các thủ tục hành chính qua mạng, thậm chí cả dịch vụ y tế qua mạng. Cùng với đó, nhu cầu hạn chế tiếp xúc cũng thúc đẩy quá trình tự động hóa, từ việc khử trùng trong bệnh viện đến giao hàng qua robot.
Trên thực tế, nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ngay từ trước khi đại dịch. COVID-19 là một "cú hích" mạnh thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, và cũng nhờ có cơ sở hạ tầng kinh tế số tương đối tốt, "cú hích" này có thể sẽ giúp định hình sớm hơn nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai. Dù vậy, kinh tế số sẽ đòi hỏi những thay đổi sâu rộng trong mối quan hệ giữa khách hàng và người sản xuất, từ khuôn khổ pháp lý đến trình độ, kỹ năng, và đến cả cơ cấu của nền kinh tế.
”Sau COVID-19, vấn đề quan trọng là các quốc gia phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn phải là nền kinh tế có thể chịu đựng được những cú sốc mạnh và sau đó thích ứng nhanh chóng với môi trường mới”, ông Cường trao đổi với báo chí.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, những sự kiện trước đây và hiện nay là COVID-19, đã cho thấy điểm quan trọng của mô hình kinh tế Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc, có thể là các cú sốc về kinh tế, tài chính, dịch bệnh, hay thiên tai, và có thể linh hoạt thích ứng ngay sau đó.
Những cú sốc này sẽ trở nên thường xuyên hơn do sự phụ thuộc lẫn nhau gia tăng, và do biến đổi khí hậu. Và để bảo đảm được một nền kinh tế như vậy, vấn đề tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường (nước, không khí, và đất đai), và an sinh xã hội sẽ là những yếu tố có tính quyết định.
Sẵn sàng cho nhiều kịch bản khác nhau
Trong khi đó, các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, GDP quý II của Việt Nam dự báo chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí còn thấp hơn nếu xảy ra kịch bản xấu. Xuất khẩu của Việt Nam dự báo cũng giảm khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến bắt đầu phục hồi từ quý III/2020.
Tuy nhiên, con số dự báo này cũng chỉ là tương đối bởi các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã gây nên khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong nhiều năm qua và điều nguy hiểm của khủng hoảng này là diễn biến của dịch rất bất ngờ, khó dự báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của dịch COVID-19 lần này cho thấy, việc dự báo tác động của dịch đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
Để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; đồng thời, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Bên cạnh đó, hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
“Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát. Cùng với đó, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) thì nhận định, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, theo SISME, cần có những giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đầy đủ thông tin và các chính sách hỗ trợ cùng như nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện.
SISME đã xây dựng nền tảng số kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị có thể áp dụng điều hành công ty từ xa, hướng tới số hóa quản trị và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh... Nền tảng này sẽ góp phần hình thành chuyển đổi số cho SME Việt Nam và xây dựng cộng đồng doanh nhân số.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, chính các doanh nghiệp thuộc khu vực nhỏ và vừa cũng cần sự chủ động ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương để chia sẻ nguồn lực; tích cực chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh từ xa (hay còn gọi là cơ chế hoạt động không gặp mặt); tuyệt đối tuân thủ các giải pháp giúp giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong thời dịch COVID-19 và nâng cao hiệu suất của người lao động cũng như gia tăng sự minh bạch của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Thân, hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần sự phối hợp để liên kết và tích hợp các giải pháp giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc triển khai thương mại điện tử bằng cách tích hợp ví điện tử, chữ ký số, mobile money và các công cụ thanh toán đầu cuối... để giảm thiểu thanh toán tiền mặt lại vừa minh bạch hoá các hoat động thương mại của doanh nghiệp. Đây cũng là cách để tự động đánh giá giá trị doanh nghiệp theo thời gian thực nhằm giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư.
Quang Huy (st) nguồn:Tạp chí Công Thương