Trong cơ cấu kinh tế của thành phố Lào Cai, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 46,9%. Riêng trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thành phố Lào Cai hiện có gần 150 cơ sở sản xuất quy mô nằm trong các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất nhỏ nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Các ngành nghề trong lĩnh vực này đa dạng, như cơ khí, sơn, mộc gia dụng, mỹ nghệ, chế tác… tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân thành phố và toàn tỉnh. Đây là lĩnh vực tạo giá trị kinh tế cao (giá trị sản xuất năm 2020 là 956 tỷ đồng) và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.000 lao động với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Tiểu thủ công nghiệp còn phụ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, tạo ra dụng cụ, máy móc cho sản xuất nông nghiệp, chế biến… Giai đoạn 2020 - 2025, trong cơ cấu kinh tế chung, thành phố Lào Cai tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thành phố vẫn có chủ trương phát triển theo hướng sản xuất sạch, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất theo các đơn đặt hàng, quy mô lớn…
Mặc dù vậy, lĩnh vực này đang gặp những khó khăn, vướng mắc. Địa phương hiện còn khoảng 1.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư, đô thị, hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, thành phố Lào Cai có kế hoạch xây dựng thêm 1 cụm tiểu thủ công nghiệp ở khu vực phía Nam thành phố với mục tiêu bố trí khoảng 300 - 500 cơ sở sản xuất tập trung.
Còn tại các cơ sở sản xuất được bố trí tại các cụm tiểu thủ công nghiệp đã có, các hộ kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do những liên quan đến thủ tục hành chính. Cụ thể, tại Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải, cách đây hơn 10 năm, nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp được tạo điều kiện thuê đất, xây dựng cơ sở sản xuất tập trung tại đây, tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất gặp nhiều trở ngại khiến các cơ sở không đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Anh Nguyễn Minh Tình, chủ cơ sở sản xuất Tình Hoa, Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải cho biết: Việc sản xuất cần nhiều vốn nhưng tôi cũng như nhiều cơ sở sản xuất khác đều không thể dùng tài sản để thế chấp do chưa được cấp chứng nhận tài sản gắn liền với đất. Năm 2020, gia đình tôi xây thêm 1 nhà xưởng với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng nhưng toàn bộ vốn phải vay từ người thân, thậm chí là vay lãi suất cao chứ hoàn toàn không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Tôi rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Những vướng mắc mà cơ sở sản xuất của anh Tình gặp phải cũng là một “nút thắt” cần tháo gỡ trong lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp của thành phố Lào Cai. Theo ông Phạm Tuấn Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố thì đây là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Ông Cường đề xuất các cơ quan có liên quan phân cấp cho thành phố Lào Cai lập hồ sơ trên hiện trạng của các cơ sở sản xuất có thể lập hồ sơ, bổ sung tài sản gắn liền với đất để có thể thế chấp, tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn. Có nguồn vốn đầu tư lớn cũng sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa trên địa bàn.
Theo Báo điện tử tỉnh Lào Cai