Câu chuyện làng nghề bán hàng online vẫn chỉ dừng lại ở những nỗ lực tự thân. Nhiều bỡ ngỡ khiến làng nghề còn "chơi vơi" tìm cửa bán hàng trực tuyến.
Một ngày của anh Thắng (nghệ nhân làng gốm Bát Tràng) bắt đầu bằng công việc kiểm tra tin nhắn và tư vấn online cho khách hàng. Với truyền thống gia đình sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gốm sứ trong gần 30 năm, 3 năm nay, anh quyết tâm đi theo một hướng mới, đó là quảng bá, rao bán hàng online.
Những sản phẩm từ các làng nghề của Việt Nam trên con đường lên "online" còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Những chiếc giỏ xách làm từ cói của Cỏ May Craft được tạo ra dưới bàn tay của anh Hùng (Nga Sơn, Thanh Hóa) mắc khó khăn trong khâu quảng bá sản phẩm vì chi phí cao.
Đặc thù của những sản phẩm thủ công là vẻ đẹp được cảm nhận qua việc nhìn, chạm trực tiếp mới thấy sự khác biệt, thậm chí là những câu chuyện đi cùng sự ra đời của sản phẩm. Thế nhưng khi đưa lên online, những thông điệp ấy rất khó truyền đạt.
Tìm hiểu thêm đối tác, đào tạo nhân sự chuyên sâu để phát triển xuất khẩu online là những cách nhiều doanh nghiệp đã làm, song để có thể phát triển và phân phối những mặt hàng đặc thù theo hướng số hóa không phải một sớm một chiều, mà cần thời gian để thay đổi nếp sản xuất cũng như thương mại của các nghệ nhân.
Gần 2 năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến sản phẩm đồ gỗ của Làng nghề mộc mỹ nghệ thôn Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như trước. Mặt khác, việc vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, để việc sản xuất, kinh doanh không bị "đứt gãy", nhiều hộ gia đình trong Làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất và sản phẩm của Làng nghề được tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo đến với đông đảo khách hàng.
Nhờ vậy, sản phẩm mộc mỹ nghệ của Làng nghề vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Mặc dù, sản lượng tiêu thụ không thể bằng trước đây nhưng hình thức kinh doanh online đã giúp cho nhiều hộ gia đình vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người lao động trong giai đoạn khó khăn.
Ông Dương Mạnh Hiến, Trưởng Làng nghề mộc mỹ nghệ thôn Giã Trung cho biết: Từ đầu năm đến nay, các hộ sản xuất trong Làng nghề đã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1.000 sản phẩm giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ… các loại; Doanh thu ước đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với Làng nghề mộc mỹ nghệ thôn Giã Trung, một số làng nghề khác trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu ứng dụng công nghệ số vào các khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, như: Làng nghề chè cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, (Phú Lương); Làng nghề chè La Bằng, xã La Bằng (Đại Từ); Làng nghề chè truyền thống Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên); Làng nghề miến Việt Cường, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ)…
Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, các làng nghề này đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đặc biệt là việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng cho các làng nghề, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài là xu thế tất yếu để các làng nghề khôi phục sản xuất, duy trì và phát triển bền vững. Hiện đã có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làng nghề đã sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo các kênh bán hàng online Hy vọng các làng nghề sẽ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để các làng nghề có thể tìm hướng đi mới trong bối cảnh hiện nay thì các đơn vị cần sự chủ động, phát huy nội lực và vẫn còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục…
Theo Làng nghề Việt