Tại làng nghề giày da Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), từ 70% thao tác thủ công, đến nay, các cơ sở sản xuất hầu như đã đầu tư máy móc, công nghệ mới phục vụ cho sản xuất. Sản phẩm tại đây đều được gia công bằng máy móc, với 100% nguyên liệu trong nước. Đưa công nghệ vào sản xuất không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất mà còn nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, dần khẳng định vị trí và lấy lại thị trường trước kia bị sản phẩm Trung Quốc chiếm lĩnh. Toàn xã Phú Yên hiện có khoảng 500 cơ sở sản xuất, gia công, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động là người dân địa phương và các xã lân cận.
Ông Nguyễn Lương Đức - Chủ tịch Hội Da giày xã Phú Yên - cho biết, sự đổi mới tại Phú Yên là bước chuyển bắt buộc để làng nghề có thể bắt nhịp với cơ chế thị trường, tạo ra những sản phẩm không chỉ đáp ứng được yêu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng mở rộng, Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Những năm gần đây, Hội Da giày xã Phú Yên đã mở các lớp đào tạo kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho các cơ sở làm giày trên địa bàn; hỗ trợ thiết kế, sáng tạo các mẫu giày mới tiêu chuẩn quốc tế. Với nỗ lực không ngừng, chất lượng giày da Phú Yên ngày càng được nâng cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, bồi đắp sức mạnh nội tại được xem là một trong những giải pháp then chốt, trở thành yếu tố sống còn đối với các làng nghề. Nếu như trước kia, đa số hộ sản xuất ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đều đốt lò nung gốm bằng củi, than… thì nay, hầu hết cơ sở sản xuất đều áp dụng lò nung bằng khí gas. Công nghệ mới được áp dụng trong các khâu dập phôi, đốt lò… giúp cải thiện mẫu mã, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, người thợ Bát Tràng không để công nghệ 4.0 thay thế hoàn toàn các công đoạn sản xuất, máy móc chỉ hỗ trợ một số công đoạn nhất định. Do vậy, giá trị nghệ thuật, hồn cốt của tác phẩm vẫn được tạo nên từ những kỹ thuật thủ công truyền thống. Ông Trương Quang Ninh - Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại Kim Khánh - nhận định: Điểm mạnh của gốm sứ Bát Tràng nằm ở sự sáng tạo mà không "mất chất", đổi mới nhưng vẫn giữ được những sản phẩm độc đáo, ấn tượng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt. Điều đó đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tại làng nghề tạo được mối liên kết bền chặt với khách hàng nước ngoài nhiều năm nay.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đã chủ động thực hiện các biện pháp liên kết, liên doanh tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; áp dụng công nghệ mới; đồng thời, giải quyết các vấn đề về phát triển vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt thị trường trong nước. Bên cạnh đó, phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực và bền vững.
Để các làng nghề truyền thống tồn tại và đứng vững trong cơ chế thị trường, rất cần giải pháp đồng bộ, chiến lược dài hơi; quan trọng hơn cả, các làng nghề cần nhạy bén, tự bứt phá để tìm hướng đi phù hợp.
nguồn: congthuong.vn