Nghề có một không hai
Chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Chung, Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ. Từ đầu ngõ, tiếng búa dồn dập kéo du khách bước vào bên trong. Một phần diện tích là xưởng sản xuất, phần còn lại là nơi gia đình nghệ nhân Lê Bá Chung sinh sống. Ông Chung dẫn du khách đi xem quy trình sản xuất. Ngoài sân, những người đàn ông cởi trần đang quai những nhát búa mạnh, dứt khoát nhưng vẫn khéo léo để dát quỳ thật mỏng mà không “bổ nổ” khiến quỳ bị vỡ, bay ra ngoài. Công việc này không chỉ đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe mà còn cần kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm.
Trong căn nhà nhỏ cấp bốn, mấy người phụ nữ đủ các lứa tuổi đều tập trung cao độ, tay thoăn thoắt “chại quỳ”. Bà Phạm Thị Ngọ, 74 tuổi, người đã theo nghề hơn 60 năm cho biết: “Nghề quỳ vàng bạc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận bởi chỉ sơ sẩy thở mạnh là các lá vàng sẽ bay hết hoặc vỡ vụn. Ngày xưa, các cụ còn phải buông màn, ngồi làm bên trong. Vậy mà người thợ Kiêu Kỵ chịu được để làm ra những tấm quỳ vàng, bạc chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khó tính nhất...”.
Hỏi bà sao nhiều tuổi vậy mà vẫn làm nghề, bà Ngọ cười: “Bố mẹ dạy cho tôi nghề này từ năm 10 tuổi. Giờ nếu không làm, tôi rất nhớ nghề. Hơn nữa, mình không dạy nghề cho con cháu trong làng, sau này còn ai giữ nghề nữa”.
Bà Phạm Thị Ngọ đang “chại quỳ” - một trong những công đoạn quan trọng của nghề quỳ vàng bạc ở làng Kiêu Kỵ.
Phát triển du lịch làng nghề
Rời nhà nghệ nhân Lê Bá Chung, chúng tôi đi thăm cụm di tích đình, đền, chùa Kiêu Kỵ, trong đó một số hạng mục trong đình như y môn, đại tự, câu đối... đã được thếp vàng lại bởi 35 học trò của ông Chung. Hiện nay, phần lớn trong số họ đã trở thành thợ giỏi, thường xuyên đảm nhận việc sơn son thếp vàng cho các công trình, di tích trên khắp cả nước.
Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, những năm gần đây, vàng công nghiệp từ Trung Quốc tràn vào, mặc dù chất lượng không sánh được với quỳ vàng của Kiêu Kỵ nhưng vì giá rẻ nên vẫn được nhiều khách hàng chọn. Vì thế, không ít gia đình trong làng phải chuyển sang nghề khác. “Điều quan trọng nhất của nghề này là phải giữ chữ tín. Có như vậy khách hàng sẽ tự tìm đến”, ông Chung chia sẻ.
Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, những năm gần đây người dân Kiêu Kỵ đã tìm ra hướng đi mới, đó là kết hợp với các làng nghề khác như làng gốm Bát Tràng, làng sơn mài Hạ Thái, làng tạc tượng Vũ Lăng... vừa làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, nhờ tay nghề khéo léo và sự chăm chỉ sẵn có nên người Kiêu Kỵ có thể tự tin nhận các công trình lớn, trong đó có thể kể tới Triệu Tổ miếu (Hoàng thành Huế), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), chùa Nam Thiên Nhất Trụ (thành phố Hồ Chí Minh), Miếu Bà Chúa xứ (An Giang) hay Đền Trần (Nam Định)...
Không chỉ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, xã Kiêu Kỵ cũng tính đến chuyện làm du lịch làng nghề gắn với du lịch tâm linh. Theo ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, với lợi thế sở hữu nghề quỳ vàng độc đáo, Kiêu Kỵ còn có 15 di tích là các đình, đền, chùa, miếu ở các thôn - đa số vẫn giữ được giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Hằng năm, xã đều trùng tu, tôn tạo các di tích với nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng.
“Năm 2018, chúng tôi đã hỗ trợ người dân Kiêu Kỵ xây dựng Nhà thờ tổ nghề. Tổng mức đầu tư của công trình này lên tới 8,6 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp của người dân. Nhà thờ tổ nghề còn là nơi dạy nghề cho con em trong làng và trưng bày, giới thiệu sản phẩm của làng nghề, phục vụ khách tham quan”, ông Đinh Văn Giảng nói.
Điều người dân Kiêu Kỵ mong mỏi nhất hiện nay là huyện Gia Lâm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, đón khách du lịch về tham quan. Cùng với đó, để Kiêu Kỵ trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần đẩy mạnh mối liên kết với các điểm tham quan khác trên địa bàn để tạo thành tuyến du lịch làng nghề, tâm linh hấp dẫn, bắt đầu từ Hà Nội đi Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử, Kiêu Kỵ, chùa Bà Tấm, đền Gióng - Phù Đổng...
Theo Tạp chí làng nghề Việt