Không chỉ tập trung mục tiêu gìn giữ làng nghề truyền thống, làng nghề gỗ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đang dần chuyển hướng phát triển, bắt kịp tình hình mới, đáp ứng thị hiếu xã hội hiện đại, hướng đến phát triển bền vững.

Hiện, hàng nghìn cơ sở sản xuất tại làng nghề Đồng Kỵ hầu hết là doanh nghiệp gia đình, mang tính chất nhỏ, lẻ, yếu tố này cộng với phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công tạo ra nhiều bất cập đối với sự phát triển của làng nghề, nhất là khả năng thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Trong bối cảnh mới của xã hội, làng nghề Đồng Kỵ đã và đang đổi thay để đáp ứng nhu cầu tiếp tục phát triển. Điều này có thể thấy ở sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, tăng chất lượng và năng suất sản phẩm... Các cơ sở sản xuất đã ứng dụng máy móc hiện đại vào một số khâu trong quy trình sản xuất, như sử dụng máy CNC trong công đoạn đục thô. Việc này giúp giảm một nửa công lao động trong công đoạn đục, trong khi thời gian làm việc không thay đổi nên năng suất lao động tăng cao, số lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn.

Sự phát triển của thị trường kéo theo đòi hỏi mới của người tiêu dùng về mẫu mã sản phẩm đồ gỗ cũng phải đa dạng, mới lạ. Bên cạnh đó, các mặt hàng gỗ truyền thống thường mang đặc trưng là dòng sản phẩm có hoa văn Á Đông, vì vậy chủ yếu được tiêu thụ trong nước và một số nước trong khu vực, dẫn đến thị trường bị bó hẹp, sức tiêu thụ không cao. Việc cải tiến và thay đổi các mẫu mã sản phẩm đã thực sự cấp thiết. Với sự nhanh nhạy của những nghệ nhân và người thợ làng nghề Đồng Kỵ, sản phẩm của làng nghề trở nên đắt khách hơn nhờ nắm bắt được thị hiếu người dùng. Bên cạnh các mẫu mã truyền thống với hoa văn tinh xảo, phù hợp với thị trường Trung Quốc, người thợ Đồng Kỵ mở rộng thêm các mẫu sản phẩm giả cổ theo phong cách châu Âu.

Một trong những tay nghề lão luyện của làng Đồng Kỵ trong dòng sản phẩm giả cổ, nghệ nhân Dương Thế Tỵ đã thành công để lại dấu ấn cá nhân cũng như doanh nghiệp gia đình trên thị trường. Ông cho biết: "Những tác phẩm giả cổ rất phức tạp, đòi hỏi nghệ nhân hoặc thợ cừ khôi mới sản xuất được, vì kỹ thuật điêu khắc rất tinh xảo, trước đây làm hoàn toàn bằng tay, bây giờ đã nhập khẩu máy móc nước ngoài về hỗ trợ. Máy móc giúp tăng hiệu quả gấp 10 lần làm tay; có thể đáp ứng được lượng lớn khách hàng".

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Đồng Kỵ đã đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ mà làng nghề có lợi thế, đầu tư cả về kỹ thuật và chất lượng tay nghề nhằm tăng khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại giữa các nghệ nhân, những người trực tiếp sản xuất với các bạn hàng trên thế giới, tìm hiểu thị hiếu cũng như văn hóa, phong tục của các quốc gia, thị trường mà sản phẩm nội thất Việt Nam có thể hướng đến.
Việc mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa đã mở ra nhiều triển vọng mới cho làng nghề Đồng Kỵ. Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ không chỉ tạo được thương hiệu bền vững ở trong nước mà còn thuận lợi xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài, như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào và một số nước châu Âu.


BBT.KConline