DOANH NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Thôn Bằng Châu (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nghề đúc nơi đây, nhiều sản phẩm có giá trị đã được làm ra.

Ông tổ của nghề đúc đồng ở Bằng Châu là thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê ở làng Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thiền sư là người rất giỏi văn chương và y học. Thời đó, thái tử nhà Đường (Trung Quốc) bị bệnh nặng, không ai chữa khỏi nên vua Đường phải cho mời ông sang. Do chữa khỏi bệnh cho thái tử nên ông được vua Đường ban thưởng tùy ý nhưng chỉ nhận đồng đen mang về. Về nước, ông mở nghề đúc đồng rồi sau đó đi khắp nơi để truyền nghề, trong đó có làng Bằng Châu. Vì vậy, dân làng đã tôn ông làm tổ nghề.

Để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh thì người thợ phải tiến hành các công đoạn như: Làm khuôn, sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Để làm khuôn, người thợ đem đất sét, đất phù sa, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó… giã nhỏ, rây kỹ, sau đó đem ủ kín trong lu, vò hay thùng. Các vật liệu này lấy từ nơi khác về như Phù Mỹ, Bảy Núi… vì ở các nơi đó đất có độ dẻo và độ kết dính cao. Khi đất sét đem về tất cả được giã nhỏ, rây kỹ, phân cỡ hạt. Người ta thường dùng đất sét ở ba dạng: Bột, nhão, và lỏng; cách chuẩn bị đất sét ở ba dạng này có khác nhau. Sau 1 ngày đêm, nguyên liệu được đem ra đánh tơi, kiểm tra lại độ mịn rồi dùng để đúc khuôn.

Nguyên tắc đúc khuôn phải bảo đảm tính chính xác để khuôn có độ thông khí tốt, không bị lỏng, sai kích thước, rỗ hơi, rỗ khí. Khuôn đúc xong phải được sấy và phơi ngoài trời, sau đó đem nung để khuôn không bị vỡ khi rót đồng vào. Nung xong, người thợ dùng bột than hoặc bột chì rắc đều lên bề mặt khuôn thành nhiều lớp mỏng rồi miết để bột dính chặt vào thành khuôn. Công đoạn này gọi là sơn khuôn, có tác dụng chống cháy và chống dính cát vào sản phẩm trong khi đúc. Sau đó, người thợ tiến hành nấu đồng. Đồng nấu thường pha với kẽm để tạo cho sản phẩm có màu ánh xanh. Ngoài ra còn có thể pha đồng với chì hoặc thiếc. Hợp kim đồng với chì làm tăng trọng lượng và tạo độ bền cho sản phẩm. Hợp kim đồng với thiếc kéo dài tình trạng lỏng của đồng để đồng bám chặt vào mặt khuôn làm nổi rõ các chi tiết, đồng thời làm tăng độ cứng cho sản phẩm. Khi đúc, đồng phải được rót vào khuôn liên tục để sản phẩm đúc ra không có vết chắp nối.

Nguyên liệu làm khuôn là đất sét, đất phù sa, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó, bông gòn...
Quy trình chế tạo khuôn đúc được gọi là làm khuôn, bao gồm: Chế tạo khuôn, chế tạo ruột và lắp ráp khuôn là những khâu trọng yếu của nghề đúc. Khuôn có đất phù sa có thể đúc được những chi tiết phức tạp, những chi tiết cực nhỏ và cả những chi tiết cực lớn dùng để đúc những kim loại đen và kim loại màu. Nguyên tắc làm khuôn phải bảo đảm tính chính xác, các dụng cụ làm khuôn như chày giã chuyên dùng bằng gỗ, rây tay, xẻng, chổi lông, thìa đầu phẳng và đầu vũm, quạt tay, móc… Làm khuôn đúc phải có độ bền để khuôn không bị lỏng, vỡ, sai kích thước; khuôn phải có độ thông khí tốt, tránh rỗ hơi rỗ khí. Khi đắp khuôn xong cần được đem sấy từng mảng và phơi khuôn ngoài trời, nếu trời nắng phơi 1 ngày, trời râm phơi 3 ngày, nếu trời mưa phải phơi 6 ngày cho hơi nước bốc dần từ khuôn ra ngoài, sau đó đem nung tạo cho khuôn có nhiệt độ cao để khi rót đồng vào khuôn không bị vỡ. Nếu đúc nồi, bung, bảy, chảo thì nhiệt độ nóng chảy của đồng là 1.000 độ C đến 1.200 độ C; còn đúc các đồ vật trang trí như lư, đèn, đỉnh, tượng thì nhiệt độ nung là 900 đến 1.000 độ C. Tùy theo sản phẩm đúc mà người ta làm khuôn một bìa hoặc nhiều bìa.


Người ta đào lò ở trong nhà đúc. Lò là một lỗ tròn có độ sâu khoảng 0,5 đến 0,6m, một bên chừa một lỗ có nút bịt khi nung, bên kia chừa 2 lỗ để đưa không khí vào hầm lò; trên nền đất xung quanh để các vật liệu cần dùng và các loại khuôn, mẫu… Dụng cụ đưa không khí vào lò là ống thổi thụt bằng tay dựng đứng nối vào trong hầm lò bằng 2 ống tre. Mùa nắng khô thì đào lò âm trong lòng đất, mùa mưa thì đắp nổi trên mặt đất để tránh ẩm ướt, và giữ được nhiệt độ.

Công đoạn lắp ráp khuôn và rót đồng cũng không kém phần quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác cao. Khi nấu đồng người ta thường pha kẽm, đối với đồng đỏ thì tỷ lệ kẽm nhiều hơn đồng thau. Hợp kim đồng với chì làm giảm nhiệt độ, nhưng lại tăng trọng lượng và tạo độ bền, dai. Hợp kim đồng với thiếc làm tăng độ cứng, kéo dài tình trạng lỏng cần thiết của đồng và bám vào mặt khuôn để nổi rõ các chi tiết.

Nghề đúc đồng ở Bằng Châu đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Vào thời Tây Sơn, làng đúc Bằng Châu tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm làm ra là các loại như mâm, nồi, chảo, đèn thờ.... Thời gian này, các sản phẩm còn thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc tốn nhiều công sức. Dần dần làng nghề cải tiến kỹ thuật sản xuất, sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao và đa dạng như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng... và các loại vật dụng trang trí. Vào thời Gia Long, Triều đình đã tuyển một số thợ có tay nghề cao ở đây ra Huế phục vụ. Nhiều sản phẩm làm ra từ tay của các thợ đúc Bằng Châu hiện còn lưu giữ lại Cung đình Huế, trong đó đáng chú ý nhất là Cửu đỉnh được đúc vào thế kỷ XIX.


Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng đúc Bằng Châu đã tham gia đúc vũ khí chống Pháp như đúc vỏ lựu đạn có hình dạng như trái mãng cầu tại xưởng quân khí ở Hoài Ân. Năm 1957 các thợ đúc đồng Bằng Châu tham gia nấu đồng để đúc tượng Phật cao 2m nặng 750kg đặt tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn) và một số tượng được làm bằng đồng đã có mặt trên mọi miền của đất nước, nhất là Nam bộ. Các nghệ nhân của làng đúc Bằng Châu cũng đã đúc thành công đại hồng chung (chuông lớn) cao 1,2m, rộng 0,8m và nặng hơn 200kg vào năm 1972, hiện tại chuông đặt tại chùa Long Hoa (Phù Cát - Bình Định). Sau khi thống nhất đất nước, năm 1979, HTX đúc đồng ở Bằng Châu được thành lập, quy trình công nghệ được nâng cao, kỹ thuật đúc tinh vi hơn. Ngoài các sản phẩm phục vụ cho văn hóa tâm linh như cồng chiêng, đèn thờ, đài, đảnh…, làng đúc Bằng Châu còn làm ra nhiều mặt hàng phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản. Năm 1982, toàn thể nghệ nhân làng đúc Bằng Châu đã góp công sức đúc tượng Bác Hồ toàn thân cao 2m nặng 750kg để làm quà kỷ niệm cho quê hương. Hiện nay, tượng được lưu tại Phòng Truyền thống (Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện An Nhơn). Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, HTX đúc đồng Bằng Châu hoạt động không còn phù hợp nên đã quyết định giải thể. Từ đây, làng nghề đúc đồng Bằng Châu bắt đầu gặp khó khăn trong sản xuất. Theo nguyện vọng của nhiều nghệ nhân trong làng nghề, ngày 1/5/2008, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã quyết định thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu.

Cùng với thời gian, nghề đúc đồng ở Bằng Châu không những không bị mai một, mà còn được tạo điều kiện phát triển. Bà con trong làng vừa giữ được nét độc đáo riêng của một làng nghề truyền thống, vừa biến nghề truyền thống trở thành nguồn sinh lợi chính đáng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của địa phương.


KC - Arit