Làng nghề trăm tỷ
Không chỉ biết đến với danh làng nghề trăm tỷ, làng gốm Bát Tràng còn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo ông Hà Văn Lâm - Trưởng Ban đại diện nhân dân làng nghề gốm Bát Tràng, sức hút của làng nghề không chỉ ở sản phẩm đẹp, đa dạng, yếu tố văn hóa, mà còn bởi làng nghề ngày một xanh, sạch đẹp hơn.
Làng nghề cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để phát triển.
Có thời điểm, làng gốm Bát Tràng ngập trong khói, bụi độc hại, do xả thải trong quá trình nung gốm bằng củi và than. Tuy nhiên, đến những năm 1990, 70% sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu. Đối tác Nhật Bản đã đưa ra các họa tiết, hoa văn và yêu cầu rất khác biệt cần sự ổn định về nhiệt độ nung. Giúp làng nghề đáp ứng yêu cầu này, các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ Bát Tràng 1 lò nung gas dung tích 1m3, sản phẩm làm ra ổn định và tốt hơn. "Nhanh chóng nắm bắt công nghệ nung mới, từ năm 2005 - 2007, Bát Tràng đã đổi 100% từ lò đốt than sang lò gas và chuyển dần từ làng nghề khói, bụi, sang làng nghề xanh, sạch hơn" - ông Lâm nói.
Từ những kết quả khả quan đã đạt được, mô hình lò gas nhanh chóng được nhân rộng sang các xã nghề lân cận như Kim Lan, Đa Tốn. Đồng thời được chuyển giao cho một số làng nghề gốm trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Sông Bé.
Cũng theo ông Hà Văn Lâm, nghề gốm nhất xương (đất), nhì da (men), thứ 3 là lò (môi trường và lò lửa). Do vậy, để cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường, việc chuyển đổi từ lò than sang lò gas chỉ là một yếu tố, còn lại rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, mỹ thuật trong tạo hình sản phẩm và phối trộn thành phần hóa học trong nguyên liệu.
Hỗ trợ để áp dụng
Bên cạnh đó, việc xây lò gas cũng có nhiều cách làm, với nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Có thể xây bằng gạch chịu lửa nặng, gạch chịu lửa nhẹ, bông sợi thủy tinh chịu lửa… Mỗi loại nguyên liệu tiêu tốn lượng gas khác nhau trong quá trình làm nóng. Hiện người dân Bát Tràng chủ yếu vận hành lò theo kinh nghiệm truyền miệng, vì vậy, vẫn có những thất bại xảy ra. Do đó, việc hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong cung cấp thông tin về công nghệ nung phù hợp và công tác đào tạo vận hành là rất cần thiết.
Cùng với việc xây lò gas, Bát Tràng đang manh nha sử dụng lò điện vào nung gốm. Tuy lò điện không có lợi thế trong tạo ra sản phẩm có những màu men đặc biệt nhưng lại có giá trị kinh tế trong nung những sản phẩm đòi hỏi độ nung thấp, nhanh, nhất là với sản phẩm phục vụ du lịch.
"Thời gian tới, có thể khuyến khích áp dụng điện mặt trời cho việc sấy sản phẩm và lò nung cho sản phẩm có nhiệt độ đưới 1.200OC. Đây cũng là điều kiện tốt cho làng nghề thay thế dần khí gas hóa lỏng, góp phần giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường" - ông Lâm kỳ vọng.
Để tiết kiệm năng lượng và tạo hiệu quả sản xuất, người dân Bát Tràng hiện cũng đã tìm hiểu, đầu tư lò Tuynel (lò nung liên hoàn). Loại lò này có thể giảm 30% chi phí về năng lượng và một số chi phí sản xuất khác. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng làng nghề hiện chưa đầu tư được, vì vậy rất cần những chính sách hỗ trợ và khuyến khích để làng nghề có thể đầu tư được công nghệ nung mới, tạo môi trường sống xanh và sản xuất bền vững.
Theo Langngheviet.com.vn