Bước vào nghề với bao khó khăn, thử thách, đồng vốn ít ỏi nhưng nhờ có kỹ thuật, tay nghề cao, ông Dẫn đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất các sản phẩm làm bằng tôn phục vụ người dân với diện tích gần 300m2 nhà xưởng, 500m2 nhà kho. Ban đầu ông sản xuất nhỏ lẻ nhưng với quyết tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, ông đã vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm các loại máy như máy chặt, máy nâng, máy cắt, máy viền dây thép với tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng...
Bên cạnh đó, ông còn tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng các điểm bán hàng tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Do đó, các sản phẩm của gia đình ông ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và lựa chọn. Ông Dẫn cho biết: Để làm ra một bộ thùng tôn, hòm tôn phải trải qua nhiều công đoạn: Cắt tôn ra thành từng vành, vào thép, ép vành tôn tạo vành cho chắc, ghép các vành tôn lại với nhau, làm đáy, làm nắp đậy và cửa; mỗi sản phẩm có giá từ 400.000 - 500.000 đồng. Thị trường ngày càng cạnh tranh, muốn trụ vững và phát triển thì mình phải nhanh nhạy, nắm bắt được nhu cầu thị trường và tạo được uy tín với khách hàng, đồng thời sáng tạo ra nhiều mẫu mã theo thị hiếu người tiêu dùng.
Gần 30 năm làm nghề, chưa khi nào ông Dẫn bằng lòng với những gì mình có bởi nếu không năng động, không mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất thì xưởng sẽ không phát triển được. Do vậy, ông thường xuyên tìm tòi, học hỏi trên sách báo, mạng internet để nắm bắt thị trường và mở rộng sản xuất. Hiện nay, ngoài sản xuất thùng tôn, hòm tôn, ông còn sản xuất trên 30 loại sản phẩm khác nhau gồm tủ tôn, võng khung, dàn phơi, giá treo, giá để mâm cỗ... Hiện mỗi ngày xưởng của ông sản xuất hàng trăm sản phẩm. Từ nghề, gia đình ông có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động.
Ông Lê Văn Hưng, người làm tại xưởng phấn khởi cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xưởng của anh Dẫn vẫn duy trì hoạt động. Mỗi ngày tôi làm 8 tiếng, thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng. Giờ có máy móc hiện đại nên các công đoạn đều nhàn hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.
Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Đức cho biết: Xưởng sản xuất của ông Phạm Văn Dẫn là một trong những cơ sở tiên phong đưa nghề tiểu thủ công nghiệp vào địa phương. Ông Dẫn đã mạnh dạn đầu tư, kiên trì và đạt được hiệu quả cao. Do đó, chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân học hỏi mở rộng sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với những thành công đã đạt được, bên cạnh việc tiếp tục duy trì sản xuất, tới đây ông Dẫn dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại, tiếp tục trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đưa xưởng sản xuất phát triển với quy mô và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Báo Thái Bình