Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp nghiệm thu Đề án “Đầu tư máy móc, thiết bị chế biến tinh chế gỗ” triển khai tại Công ty TNHH Hà Gia Phát, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng. Đề án có tổng vốn đầu tư máy móc, thiết bị hơn 3,5 tỷ đồng, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho vay không tính lãi 700 triệu đồng. Sau thời gian vận hành thử, hệ thống thiết bị, máy móc mới đầu tư đã hoạt động tốt, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Đề án “Đầu tư máy móc, thiết bị chế biến tinh chế gỗ” là một trong số 53 đề án khuyến công được phê duyệt thực hiện trong năm 2021 của Lâm Đồng. Năm 2021, hỗ trợ có thu hồi vẫn là hình thức được ưu tiên, chiếm phần nhiều nguồn kinh phí thực hiện của khuyến công Lâm Đồng với 7 tỷ đồng cho 13 đề án.
Nhằm giúp doanh nghiệp công nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 thời gian qua, ngành Công Thương Lâm Đồng đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, thông qua các chương trình, đề án, khuyến công Lâm Đồng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực giải ngân sớm cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện ngay sau khi hoàn thành đề án và có đủ chứng từ theo quy định. Ưu tiên thực hiện các đề án hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tham mưu với UBND tỉnh gia hạn thời gian hoàn vốn khuyến công có thu hồi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt, sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị suy giảm nhiều, thời gian tới, ngành Công Thương Lâm Đồng tiếp tục linh hoạt triển khai các nội dung hoạt động khuyến công sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, kích thích công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phát triển; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với các đề án hỗ trợ có thu hồi, nhanh chóng giải ngân cho các đề án hoàn thành việc đầu tư có đủ chứng từ thanh toán theo quy định. Đối với các đề án đầu tư máy móc, thiết bị nhập khẩu, thường xuyên trao đổi, đôn đốc các đơn vị kịp thời nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổ chức các hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường tiềm năng ngay sau khi hết dịch Covid -19. Tạm thời chưa thực hiện một số đề án để dự phòng kinh phí giải ngân cho các doanh nghiệp hỗ trợ có thu hồi khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid 19 không hoàn trả kinh phí khuyến công đúng hạn…
Năm 2021, khuyến công Lâm Đồng được phân bổ 9,72 tỷ đồng để thực hiện 53 đề án, bao gồm 13 đề án hỗ trợ có thu hồi với tổng kinh phí 7 tỷ đồng và 40 đề án hỗ trợ không thu hồi với tổng kinh phí 2,72 tỷ đồng. |
Theo Báo Công Thương