Giống như nhiều chị em phụ nữ khác ở xã Gia Viễn, từ 4 năm nay, chị Trần Thị Hằng đã nhận gia công giỏ lục bình cho các công ty ở Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Những sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng, công ty gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, và nguyên liệu là nhựa hoặc lục bình, người thợ chỉ đan theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm.
Nhận thấy lục bình vốn là cây bèo quen thuộc thường mọc tự nhiên ở các vùng sông nước, đầu năm 2021, gia đình chị Hằng bắt đầu trồng thử nghiệm với diện tích 1 ha. Giống cây lục bình được chị Hằng gom từ các dòng suối, kênh rạch, ao hồ tại địa phương. Theo chị Hằng, cây lục bình dễ trồng và ít tốn công chăm sóc, cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư. Người trồng hầu như chỉ cần bỏ thời gian ban đầu và vào thời điểm thu hoạch.
Sau khoảng 4 tháng, chị Hằng bắt đầu thu được thân lục bình. Trung bình 1 m2 mặt nước cho 500 gram thân lục bình khô. “Cây lục bình sau khi thu hoạch được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời từ 5 đến 6 nắng, mùa mưa phải được sấy khô thì thành phẩm lục bình khô mới trắng, bán được giá. Nếu không, lục bình sẽ bị ám đen, giá trị giảm đi nhiều. Lục bình phải được chọn loại cây dài, suôn thẳng thì lúc đan, người thợ sẽ ít tốn công và thời gian để nối” - chị Hằng chia sẻ.
Hiện, ngoài chủ động nguồn nguyên liệu cho gia đình, cơ sở của chị Hằng còn bước đầu cung cấp lục bình khô cho khoảng 10 hộ dân xung quanh để phục vụ việc đan lát. Việc trồng lục bình đã góp phần giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá thành sản phẩm, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi có thể hạn chế tiếp xúc với vật liệu làm từ nhựa. Chị Hằng cho biết thêm, nếu như chỉ nhận khung sắt và nguyên liệu từ công ty để đan, chị được trả mỗi sản phẩm trung bình 70.000 đồng. Tuy nhiên, khi tự làm ra nguyên liệu lục bình, chị được trả 100.000 đồng cho mỗi thành phẩm.
Dưới cái nắng của những ngày tháng 6, lục bình phơi trải khắp các con đường của xã Gia Viễn. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ thoăn thoắt đôi tay trên từng chiếc giỏ lục bình hay chiếc ghế nhựa... Dưới đôi bàn tay khéo léo của người nông dân, loài cây vốn mọc dại nay được biến thành những sản phẩm đẹp, độc đáo.
Chị Đặng Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gia Viễn cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 250 lao động thường xuyên tham gia đan lát. Nguyên liệu lục bình thường phải vận chuyển một chặng đường rất dài làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận sản xuất. Việc cung cấp nguyên liệu tại chỗ sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu từ miền Tây về, tăng giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho bà con và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo chị Hiền, với đặc thù chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực dồi dào nhưng thiếu việc làm, nhiều hội viên phụ nữ xã Gia Viễn đã từng phải đi làm ăn xa tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nghề đan lát phát triển những năm gần đây đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Trần Thị Ngọc Lài - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cát Tiên nhận định: Hiện nay, khi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu hướng thì các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làm từ cây lục bình đáp ứng được yêu cầu đó. Nếu chỉ dựa vào khai thác tự nhiên, nguồn nguyên liệu lục bình sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Hiện, trên địa bàn huyện Cát Tiên cũng đã thành lập một số cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp làm từ cây lục bình. Điều này tạo động lực để Hội khuyến khích, đồng hành cùng hội viên mở rộng diện tích trồng lục bình nhằm phân phối nguyên liệu, cũng như sản phẩm ra thị trường với chất lượng tốt nhất./.
Theo Tạp chí Làng nghề Việt Nam