Ngày 26/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Công văn số 3228/UBND-KTTH về Tăng cường hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp.

Thời gian qua, công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Hoạt động của các cụm công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước, thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế; công tác quản lý các cụm công nghiệp ở một số ngành, địa phương còn nhiều yếu kém.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy chế quản lý Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được ban hành kèm theo tại Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đề án Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030 tại Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 (được điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2022) của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030 tại Kế hoạch số 1840/KH-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý Cụm công nghiệp.

Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động: rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết đúng quy định, triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, quản lý đất đai theo quy hoạch, có giải pháp cụ thể (đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp, thu hút đầu tư thứ cấp vào Cụm công nghiệp) để sớm đưa Cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động:

+ Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, như: về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đầu tư trong Cụm công nghiệp; hiệu quả sử dụng đất trong Cụm công nghiệp; về thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp, những khó khăn vướng mắc còn tồn tại…;

+ Giải quyết dứt điểm các tổ chức, cá nhân đã thuê đất trong Cụm công nghiệp nhưng chậm triển khai dự án theo tiến độ cam kết hoặc sang nhượng trái phép để có biện pháp trong công tác quản lý, đầu tư, phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn;

+ Đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải chung của Cụm công nghiệp theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về Cụm công nghiệp đối với các vướng mắc phát sinh ngoài kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; kịp thời xử lý hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý vi phạm (nếu có), vấn đề phát sinh về công tác quản lý Cụm công nghiệp. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong Cụm công nghiệp.

Tuyên truyền về an toàn điện, an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy cho các tổ chức sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp…

Nguồn: moitruongvadothi.vn

ST: Nhung Trần