Bối cảnh xã hội vận động, giao lưu quốc tế ngày một mạnh mẽ là cơ hội để các làng nghề bước ra thế giới. Song cũng đặt ra những thách thức trong đáp ứng yêu cầu của xã hội, của quốc tế.
Nằm giữa sắc mầu của những tấm lụa trong không gian của Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề Vạn Phúc, những sản phẩm của Vụn Art, dù ra đời chưa lâu, đã được xem như một "nét duyên" của làng nghề dệt lụa hơn nghìn tuổi này. Những bức tranh dân gian lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống hay Ðông Hồ, được "phối" lại bởi những gam mầu khác nhau của lụa Vạn Phúc.
Những sắc mầu, độ bóng của lụa, cộng hưởng với những họa tiết hoa văn tạo ra chiều sâu cho những bức tranh dân gian. Ðến giờ, khó có thể thống kê hết tranh dân gian của Vụn Art đã đi đến bao nhiêu quốc gia trên thế giới. Giám đốc Vụn Art Lê Việt Cường chia sẻ: Vụn Art là nơi tập hợp nhiều bạn trẻ khuyết tật ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng Vụn Art không có ý định bán sản phẩm thông qua sự thương cảm của cộng đồng. Các bạn trẻ đều được đào tạo bài bản, mỗi người phát huy một thế mạnh khác nhau và tạo ra nhiều tác phẩm giá trị.
Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ có giá trị cao. Có thể kể đến gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, quạt Chàng Sơn... Có những làng nghề ra đời và phát triển hàng nghìn năm. Có những làng nghề vài trăm năm tuổi. Sáng tạo được ví như hơi thở của làng nghề để cho ra đời những sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Những năm gần đây, khi đất nước và Thủ đô mở cửa, hội nhập, sức sáng tạo càng được giải phóng khi giao thoa văn hóa trở nên mạnh mẽ.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái là một điển hình. Xưa kia, làng nghề chủ yếu làm nghề sơn các đồ thờ tự. Nhưng từ những năm 1930, các họa sĩ Việt Nam tại Trường Mỹ thuật Ðông Dương đã ứng dụng các vật liệu mầu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre... và đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên hiệu ứng mới. Sơn mài ra đời từ đó.
Làng Hạ Thái khi ấy có cụ Ðinh Văn Thành là giảng viên Trường Mỹ thuật Ðông Dương. Cụ chính là người đưa nghề sơn mài về làng. Ðó là lần "lột xác" thứ nhất. Nhưng Hạ Thái đã trải qua lần "lột xác" thứ hai, khi mở cửa, tiếp cận khách quốc tế trong những năm gần đây. Ngoài đổi mới về kiểu dáng như làm các loại tranh, lọ hoa, bát, đĩa, hộp... để sử dụng, trưng bày, nghệ nhân làng nghề còn tìm tòi, khám phá khi kết hợp kỹ thuật sơn mài với gốm, với khảm trai, thậm chí là với đá, hay một số loại kim loại...
Giám đốc Công ty Ðỗ Hùng Chiêu, nguyên Chủ nhiệm Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ: "Việc đưa những chất liệu mới vào sản phẩm là những tìm tòi, sáng tạo trong khâu thiết kế của làng nghề. Mỗi giai đoạn lịch sử, người làng nghề luôn phát triển chất liệu, kiểu dáng mới phù hợp nhằm chinh phục khách hàng trong và ngoài nước".
Hà Nội hiện là địa phương có số làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề các loại, chiếm hơn 1/3 tổng số làng nghề cả nước. Trong đó, có 300 làng nghề truyền thống có giá trị. Năm 2018, giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Song song với những sáng tạo trong quá trình sản xuất để cung cấp ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đều chú trọng phát triển du lịch, nhằm phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường "xuất khẩu tại chỗ". Ðiển hình như làng gốm Bát Tràng đã triển khai hệ thống du lịch thông minh.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm phối hợp UBND xã Bát Tràng hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; lắp đặt wifi miễn phí... để tăng cường các tiện ích hỗ trợ và các trải nghiệm cho khách.
Còn ở làng lụa Vạn Phúc, ngoài cho ra đời Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề, còn có các hoạt động giúp khách du lịch trải nghiệm các hoạt động. Lễ hội du lịch làng nghề được tổ chức thường niên những năm gần đây, tạo dấu ấn trong lòng du khách thay vì chỉ tập trung vào bán sản phẩm như trước đây. Các làng nghề như: khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Ðộng, nón làng Chuông, mỹ nghệ Sơn Ðồng... đều trở thành những địa chỉ quen thuộc với khách hàng trong nước và quốc tế.
Mặc dù vậy, những làng nghề có giá trị "nghìn tỷ" như Bát Tràng, Sơn Ðồng... chưa nhiều. Bên cạnh điểm yếu về vốn đầu tư, sản phẩm của làng nghề còn yếu về mẫu mã, chưa bắt nhịp được với nhu cầu. Các nghệ nhân giỏi tay nghề chưa biết cách quảng bá sản phẩm, tạo mẫu mã, bao bì sao cho tôn vinh giá trị sản phẩm. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng nhận định: "Các làng nghề hiện nay chủ yếu đưa ra cái mình có, thiếu tính kết nối với các điểm đến để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của du khách. Không những vậy, các làng nghề không có nhiều sản phẩm mới và quan trọng là chưa thể hiện rõ dấu ấn riêng...".
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long gợi ý, các sản phẩm muốn tiêu thụ được cần đổi mới sáng tạo hơn nữa, trên nền truyền thống, phải mang hơi thở của thời đại, phải thể hiện được nét giao lưu văn hóa quốc tế.
Sức sống làng nghề dựa trên sự sáng tạo, nhất là sáng tạo về thiết kế mẫu mã. Gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội để Hà Nội tạo xung lực mới cho các làng nghề. Mà trước hết, là xây dựng những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kể trên.
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân dân