Trong giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm”. Kết quả thực hiện đề án khuyến công quốc gia năm 2022 với tổng kinh phí thực hiện 1,66 tỷ đồng. Năm 2023, tổng kinh phí thực hiện 1,490 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn thành giải ngân kinh phí của 2 năm trên đạt 100%.
Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện là 5,095 tỷ đồng. Trong đó thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ sữa chữa nâng cấp xử lý môi trường cho 3 cơ sở với tổng kinh phí là 650 triệu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 04 cơ sở với tổng kinh phí là 1,100 tỷ đồng; tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh khu vực phía nam lần thứ XIV năm 2024 với tổng kinh phí 350 triệu; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam 2024 với tổng kinh phí là 2,840 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 được UBND tỉnh giao 3,562 triệu đồng. Trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ đề án là 2,590 triệu đồng, còn lại là các hoạt động khuyến công khác. Đến thời điểm này cơ bản đã và đang triển khai 10 đề án; hoàn thành 5 lớp tập huấn chính sách...; hoàn thành việc khảo sát và chuẩn bị đưa ra thẩm định các đề án bổ sung 2024 (03 đề án) và các đề án cho năm 2025; hoàn thành cuộc tham gia hội nghị, hội chợ khu vực miền Bắc và trình kế hoạch tham gia chuỗi sự kiện khu vực miền trung tại Quảng Trị; tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương năm 2024 đúng theo tiến độ đề ra.
Đồng thời, trong những năm qua Trung tâm căn cứ các văn bản trung ương và địa phương đã tham mưu Sở Công Thương hàng năm ban hành kế hoạch khuyến công để triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các ban ngành, nhằm lồng nghép các chương trình có liên quan để phối hợp triển khai có hiệu quả; thường xuyên theo dõi kiểm tra, khảo sát nhằm đôn đốc các địa phương kịp thời phát hiện và tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; việc phối hợp khảo sát, lập đề án khuyến công, tổ chức tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt đề án phải thực hiện sớm vào ngày 15/7 hàng năm để chuẩn bị cho năm sau.
Ngoài ra, hàng năm Trung tâm thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn công tác nghiệp vụ, văn bản mới về chính sách khuyến công nhằm phổ biến cơ chế chính sách khuyến công đến với đội ngũ cán bộ chuyên trách khuyến công, cộng tác viên khuyến công và các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiểu rõ các quy định về chính sách khuyến công.
Đánh giá hiệu quả đề án mang lại, ông Trương Văn Cuội – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang cho biết: Đề án khuyến công quốc gia điểm được thực hiện tại tỉnh đã phát huy tốt hiệu quả. Đề án đã mang lại cho các sở đã tham gia mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý chất lượng, giới thiệu được sản phẩm, phát triển được thị trường. Giúp cơ sở quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tăng sản lượng sản phẩm bán ra, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Kiên Giang đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng để lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất
Đề án đã góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở chế biến nước mắm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp đóng góp vào quá trình tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác khuyến công trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Trong quá trình triển khai nội dung hỗ trợ khuyến công được duyệt Trung tâm phụ thuộc vào nguồn kinh phí do cấp trễ nên việc triển khai thực hiện hỗ trợ bị thụ động về thời gian. Các cơ sở công nghiệp nông thôn nhỏ không đủ vốn đối ứng để tham chương trình này; công tác viên ở địa phương thường xuyên thay đổi công tác; các nội dung hỗ trợ chưa phong phú, nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa triển khai được so với kế hoạch trong giai đoạn; một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác khuyến công.
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, 6 tháng cuối năm Trung tâm sẽ bám theo kế hoạch sẽ chỉ đạo các viên chức bám sát công việc được phân công để hoàn thành kế hoạch. Trong thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách khuyến công nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh theo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh; đề xuất những đề án trọng điểm, đề án nhóm có lợi thế về nguyên liệu vùng của địa phương, qua đó sẽ thúc đẩy kéo theo các sản phẩm công nghiệp khác phát triển góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh địa phương.
Nguồn: Tạp chí Công Thương