Nghị quyết số 12b/2004/NQ-HĐND ngày 15/3/2004 của HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn là bước khởi đầu cho hoạt động khuyến công tại địa phương.

Xây dựng chính sách kịp thời

Khi tái lập tỉnh, kinh tế Quảng Trị chủ yếu là nông nghiệp, người dân chỉ biết gắn bó với cây sắn, cây ngô, đồng lúa nhưng lại phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Tuy xác định nông nghiệp vẫn là nền tảng nhưng tỉnh chọn công nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế địa phương, các cấp chính quyền đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách cho mục tiêu này. Một trong số đó là Nghị quyết số 12b/2004/NQ-HĐND ngày 15/3/2004 của HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Đây cũng là bước khởi đầu cho hoạt động khuyến công tại địa phương.

Giai đoạn đầu triển khai thực hiện, các hoạt động khuyến công chủ yếu tập trung đào tạo nguồn nhân lực và khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp, du nhập thêm một số nghề mới phù hợp với điều kiện của địa phương như thêu ren, mộc mỹ nghệ, mây đan. Cùng với đó, chương trình cũng bắt đầu cơ giới hoá cho một số ngành nghề truyền thống, nhằm khắc phục hạn chế trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hoá, sản phẩm. Chính Nghị quyết 12b đã tạo nhiều động lực mới cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng sản phẩm từ những… bất lợi

Mảnh đất Quảng Trị cằn cỗi, nắng cháy, nhiều bất lợi về thời tiết nên thực vật, cây cối khó phát triển tươi tốt. Tuy nhiên, cũng chính vì điều kiện như vậy nên có một số loại cây trồng tích tụ được hàm lượng tinh chất cao hơn so với những vùng đất khác. Có thể kể đến như cây chè vằng sẻ ở Quảng Trị thơm hơn, tích lũy các hợp chất Glucosit, Flavonoid, Saponin nhiều hơn các vùng miền khác; cà phê thì cho hương thơm đặc trưng không nơi nào sánh được; cây tràm gió chiết xuất tinh dầu thường cho hàm lượng Cineol cao hơn tiêu chuẩn quy định, mùi vị cũng thơm hơn. Tương tự, các loại cây cỏ khác như sả, ngũ sắc, khuynh diệp, bưởi… đều cho ra tinh dầu thơm hơn; gỗ rừng trồng cũng có chất lượng tốt hơn, thớ gỗ chắc, nặng hơn. Đã có nhiều doanh nghiệp, đối tác, nhà nghiên cứu mang sản phẩm này đi thực nghiệm và khẳng định chất lượng đối với các nguồn nguyên liệu này.

Những đặc điểm này của nguyên liệu, nếu khai thác tốt sẽ cho ra những sản phẩm có chất lượng nổi trội hơn so với một số vùng miền khác. Với nhận định đó, công tác khuyến công đã cùng với các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh việc cơ giới hoá các khâu trong sản xuất để gia tăng năng suất, chất lượng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng ngày càng ý thức dần việc xây dựng vùng nguyên liệu, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm để tăng uy tín và khai thác thị trường ngoài tỉnh. Hoạt động khuyến công đồng hành với doanh nghiệp trong từng sự chuyển đổi và phát triển.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, với hơn 50 tỷ đồng kinh phí khuyến công, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 60 - 70 đề án khuyến công ở nhiều quy mô khác nhau được lựa chọn hỗ trợ, trong đó có đến 50% đề án tập trung cho chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Lĩnh vực này luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác đánh giá, lực chọn đề án hỗ trợ khuyến công.

Đến nay, Quảng Trị đã có nhiều sản phẩm nổi tiếng không chỉ ở thị trường trong nước như cao dược liệu các loại, cà phê, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột các loại, nước mắm, đồ gỗ nội thất, gỗ rừng trồng… được rất nhiều người tin dùng bởi những giá trị đích thực. Có đến 168 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 22 sản phẩm cấp khu vực, 07 sản phẩm cấp quốc gia. Trong số này, nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Mặc dù đạt được những thành quả trên, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm của địa phương. Khó khăn bởi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các dòng sản phẩm mới tương tự hoặc thay thế liên tục ra đời; khó khăn bởi thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. Trước tình hình đó, khuyến công địa phương nhận thức được cần có sự điều chỉnh trong các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nhiều sản phẩm mới, xây dựng các hình thức quảng bá và khai thác thị trường theo xu thế hiện đại.

Có thế thấy, với những quyết sách đúng đắn của Trung ương cũng như chính quyền địa phương, hoạt động khuyến công đã góp phần mang lại luồng sinh khí mới trong phong trào sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều ngành nghề mới được ra đời và phát triển. Từ một địa phương chậm phát triển công nghiệp, Quảng Trị đã vươn lên và đặc biệt hơn là khai thác cái bất lợi để phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm có uy tín trên thị trường./.

ST: TTH