Ngày đầu tỉnh nhà được lập lại (tháng 7/1989), nền công nghiệp nghèo nàn lạc hậu, toàn tỉnh chỉ có 1.653 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ manh mún; cơ sở công nghiệp nông thôn là con số không tròn trĩnh. Sau 30 năm (năm 2019), cơ cấu kinh tế đã từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; chiếm khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, có 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, với hàng trăm sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm chất lượng cao đã vươn ra thị trường thế giới.

Trong thành tựu chung đó, đã có sự nổ lực, sự trăn trở tìm hướng đi, cùng đồng hành với doanh nghiệp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước và sự nghiệp khuyến công tỉnh Quảng Trị.

Dấu mốc của một Quyết định

Từ năm 1989 đến năm 2003, công tác khuyến công của tỉnh chủ yếu do phòng Quản lý Doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Sở Công nghiệp đảm trách. Lúc bấy giờ hoạt động sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, máy móc thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, trình độ tay nghề của lao động thấp; thợ bậc cao, thợ làng nghề quá ít. Ngành nghề nông thôn mà đặc biệt là các làng nghề và nghề truyền thống chậm được khôi phục và phát triển; thiếu thông tin về thị trường, giá cả; thiếu hiểu biết về kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật, quản lý chất lượng; thiếu kỹ năng xây dựng các dự án… Tình hình đó dẫn đến nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ lẽ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao ...

Từ thực tiễn đó, những năm 2002 - 2003, Sở Công nghiệp Quảng Trị đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (CN, TTCN và NNNT); lập vốn khuyến công để hỗ trợ cho vay đầu tư sản xuất. Việc Nhà nước hỗ trợ vốn là một biện pháp khuyến khích phát triển CN, TTCN và NNNT, thực hiện hiện chủ trương “Ly nông bất ly hương” đưa TTCN về nông thôn. Nhờ đó, hoạt động SXKD của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đã dần chuyển biến tích cực, số cơ sở đăng ký kinh doanh tăng lên, tạo việc làm nhiều hơn, các làng nghề từng bước đang hồi phục dần.

Năm 2004, Sở Công nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua cơ chế chính sách phát triển CN, TTCN và NNNT tại Nghị quyết số 12b/2004/NQ-HĐ. Cũng trong năm 2004, Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn có hiệu lực. Thực hiện Nghị định này, ngày 11/8/2004, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2464/2004/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Khuyến công Quảng Trị trực thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) với chức năng, nhiệm vụ triển khai hoạt động khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN của địa phương.

Quyết định 2464/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh với sự ra đời của Trung tâm Khuyến công Quảng Trị (Nay là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị) đã tạo nên một bước ngoặt, đưa hoạt động khuyến công trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn. Bộ máy của Trung tâm lúc mới thành lập gồm có  04 cán bộ (bao gồm cả lãnh đạo). Sau 15 năm, lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác khuyến công và phát triển công nghiệp toàn tỉnh đã lớn mạnh, gồm 01 đơn vị cấp tỉnh (trực thuộc Sở Công Thương) và 09 đơn vị cấp huyện (trực thuộc UBND các huyện, TX, TP) với tổng nhân lực hơn 60 người, trên 80% có trình độ đại học và sau đại học. Các đơn vị đều có trụ sở, cơ sở vật chất khang trang đảm bảo đáp ứng tốt việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hành trình của sự trăn trở, tâm huyết đầy trách nhiệm đối với sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà

15 năm qua, với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, nguồn ngân sách dành cho hoạt động khuyến công của tỉnh còn hạn chế, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN tỉnh cũng như đội ngũ làm công tác khuyến công của các huyện, thị, thành phố đã tích cực khai thác các nguồn lực để tổ chức các hoạt động khuyến công. Tính bình quân mỗi năm kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ khuyến công trên địa bàn tỉnh khoảng 2 tỷ đồng. Đăc biệt giai đoạn 2015 đến nay, nguồn kinh phí khuyến công đã tăng lên rõ rệt. Trong 04 năm qua đã có khoảng 20 tỷ đồng kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm Công nghiệp của tỉnh; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ khoảng 09 tỷ đồng, khuyến công tỉnh 06 tỷ đồng, khuyến công cấp huyện hỗ trợ khoảng 05 tỷ đồng (bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí khoảng 150 triệu đồng/địa phương/01 năm).

Trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề truyền nghề và nâng cao tay nghề cho hơn 3000 lao động nông thôn, các hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động nên hầu hết lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo.

Tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho trên 300 lượt người; tổ chức 18 đoàn khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các mô hình sản xuất trong nước cho các cơ sở CNNT; tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phát triển ngành cơ khí tỉnh, phát triển làng nghề - ngành nghề TTCN, phát triển công nghiệp hỗ trợ …
Hỗ trợ 02 Cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 18 Cụm, điểm công nghiệp và làng nghề. Hỗ trợ xây dựng 30 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ gần 200 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, xử lý ô nhiểm môi trường, hỗ trợ nhiều cơ sở đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ trên đã, thu hút được hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến. Một số đề án đã tạo ra hiệu quả trong sản xuất và có tính nhân rộng như: Dây chuyền sản xuất hộp giấy và giấy vệ sinh các loại; dây chuyền chế biến gỗ rừng trồng, dầu lạc, tinh dầu thiên nhiên các loại; dây chuyền chế biến cà phê…
Về công tác phát triển, quảng bá, xúc tiến sản phẩm CNNT: Thông qua các kỳ triễn lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh đã giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Trung tâm đã trực tiếp và vận động hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp CNNT tham gia tham gia  hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các địa bàn trọng điểm trong cả nước; Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm định kỳ 02 năm một lần từ năm 2012. Kết quả có 103 sản phẩm được công nhân là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 06 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, đã thực hiện và phát sóng hơn 160 chuyên đề “Trang Công Thương Quảng Trị”, biên tập và phát hành 38 số Bản tin/Đặc san Công Thương Quảng Trị (từ 2-4 số/năm), với trên 9.400 bản; thực hiện biên tập và xuất bản “Tài liệu công tác khuyến công” để cung cấp cho các cơ sở CNNT hệ thống các văn bản pháp luật về công tác khuyến công.
Thành quả ngọt ngào ...
Sau 15 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp ngày càng khẳng định được vị trí và tầm quan trọng trong sự phát triển CN - TTCN và kinh tế tỉnh nhà; góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở sản xuất và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (theo giá so sánh 2010) là 9.740 tỷ đồng, tăng gần 16 lần so với năm 2004; số cơ sở sản xuất CNNT tăng lên đáng kể (gấp gần 05 lần so với ngày đầu tỉnh nhà lập lại); đã hình thành và đưa vào hoạt động 03 khu, 15 cụm và 03 điểm công nghiệp tại các địa phương, cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp và di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào cụm, điểm công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 21 nghìn lao động; đã có 15 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.
Với sự nổ lực không ngừng, từ khi thành lập đến nay, 15 năm liên tục Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tập thể Trung tâm và các cá nhân là lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm nhiều lần được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc. Riêng năm 2019, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đang đề xuất Hội đồng thi đua khen thưởng TW trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho tập thể Trung tâm.
Từ những kết quả đạt được nêu trên, có thể khẳng định hoạt động khuyến công là một hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương. Hoạt động khuyến công những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhằm mục tiêu khuyến khích các DN, CSCNNT đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, phân công lại thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất CNNT và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất từ khâu cung cấp đầu vào, bao tiêu nguyên liệu đến khâu sản xuất, chế biến và khâu tiêu thụ sản phẩm; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở CNNT trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.


Nguồn: Trung tâm KC và TVPTCN Quảng Trị