Căn cứ vào hiệu quả đạt được từ các chương trình, đề án đã triển khai, giai đoạn 2021-2025 khuyến công Ninh Bình tập trung nguồn vốn thực hiện các nội dung tác động trực tiếp tới năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT)

Những con số ấn tượng

Theo số liệu từ Sở Công Thương Ninh Bình, giai đoạn 2014-2020, khuyến công Ninh Bình đã thực hiện 237 đề án, tổng kinh hỗ trợ 35,183 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến Thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình (trung tâm) đã thực hiện các nội dung của công tác khuyến công, gồm: Đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở CNNT; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ cung cấp, tư vấn thông tin; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường…

Trong đó, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xử lý môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ghi nhận là nội dung đạt hiệu quả cao và thu hút các cơ sở CNNT tham gia. Giai đoạn vừa qua, riêng nội dung này đã chiếm tới 40,93% kinh phí hỗ trợ, 130 đề án đã được triển khai. Theo tính toán từ Sở Công Thương Ninh Bình, kinh phí cho nội dung này trung bình đạt 1,786 tỷ đồng/năm- một con số không nhỏ.

Trên thực tế, các đề án sau khi được triển khai và đi vào hoạt động ổn định đều phát huy tốt hiệu quả, giúp các đối tượng thụ hưởng cải thiện năng lực sản xuất, tăng doanh thu và tạo việc làm mới cho người lao động.

Tiêu biểu có thể kể tới, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ”, thực hiện tại Công ty TNHH mỹ thuật Lương Gia, Công ty TNHH đá mỹ nghệ Quang Huy Ninh Bình và Doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền. Kết quả nghiệm thu cho thấy, đề án đã giúp các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh năng suất, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành phẩm, đồng thời tạo việc làm cho 13 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Tương tự như vậy đối với đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến hàng nông sản” triển khai tại Công ty TNHH chế biến nông sản xuất khẩu Vinasam. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy ghép mí tự động 2 đầu ghép với công suất cao gấp 10 lần sản xuất thủ công, đạt 100 cái/phút.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ

Với kết quả trên, giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình vẫn xác định hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp và xử lý môi trường là nội dung trọng tâm thực hiện. Nguồn kinh phí hỗ trợ dành cho nội dung này khoảng 25,3 tỷ đồng, trong tổng số 53,23 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác khuyến công cho cả giai đoạn. Dự kiến, khuyến công Ninh Bình sẽ hỗ trợ xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, 69 lượt cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, 2 lượt cơ sở ứng dụng dây chuyền công nghiệp và hỗ trợ 7 lượt cơ sở sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở Công Thương Ninh Bình xác định đảm bảo kinh phí thực hiện là giải pháp hàng đầu. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ xây dựng các đề án khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo bước chuyển biến rõ rệt cho phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình triển khai chương trình khuyến công với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 130,41 tỷ đồng, trong đó 53,23 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, còn lại là kinh phí từ các thành phần kinh tế tham gia.

Theo Báo Công Thương