Hàng năm, hoạt động khuyến công của địa phương được Bộ Công Thương, UBND tỉnh quan tâm xem xét phê duyệt các đề án, kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, năm 2018, thông qua hoạt động khuyến công, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công của trung ương và địa phương đã hỗ trợ trực tiếp cho các dự án thuộc các lĩnh vực lương thực, đồ gỗ, vật liệu xây dựng… Đặc biệt, các đề án chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án được đối tượng thụ hưởng ghi nhận đã hỗ trợ bước đầu và là nền tảng giúp doanh nghiệp (DN), cơ sở hướng đến những giá trị bền vững, đồng thời góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương.
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng việc xây dựng kế hoạch, đề án kinh phí khuyến công địa phương vẫn còn hạn chế. Bởi đa phần các cơ sở, DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Các chủ cơ sở, DN chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực từ hoạt động khuyến công.
Ngoài ra, kinh phí khuyến công địa phương cũng mới được thực hiện từ năm trước đó để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT. Và quá trình phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành và địa phương ở nhiều nơi đôi lúc còn lúng túng. Nên kết quả đạt được chưa cao so với tiềm năng của Hậu Giang.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hậu Giang tập trung hỗ trợ đầu tư một số dự án có lợi thế cạnh tranh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành. Từ đó tạo ra sự lan tỏa cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác. Tuy vậy, để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả, cần có sự phối hợp tốt giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
TQL (KConline)