Nguồn kinh phí hỗ trợ cho triển khai các đề án của khuyến công Hải Phòng tuy không lớn nhưng đã tạo động lực đáng kể cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Năm 2019, Công ty TNHH Cơ khí đúc Thành Phương (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên) lập dự án đầu tư mở rộng xưởng sản xuất nhằm cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, trong đó 2 sản phẩm đối trọng máy giặt xuất khẩu sang thị trường Mỹ, công suất 1.400 tấn/năm và sản phẩm Puly cầu thang máy xuất đi Tây Ban Nha là trọng tâm.

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng (trung tâm) đã hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện cho doanh nghiệp thông qua đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới trong sản xuất đúc kim loại”. Hạng mục được hỗ trợ là đầu tư hệ thống xử lý cát tươi và dây chuyền làm khuôn tự động.

Đến nay, đề án đã hoàn thành và vận hành ổn định, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất, tăng đáng kể hiệu quả kinh tế. Đề án cũng đã tạo thêm việc làm cho 36 lao động kỹ thuật tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Công ty TNHH Cơ khí đúc Thành Phương là một trong số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Chỉ riêng năm 2020, đã có 2 doanh nghiệp CNNT được hỗ trợ đầu tư, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đáng lưu ý, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ chỉ 1,8 tỷ đồng nhưng thu hút tới trên 13,9 tỷ đồng vốn đối ứng của các đối tượng thụ hưởng. Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, theo đại diện trung tâm, kinh phí ngân sách cấp cho việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến công còn hạn hẹp, thời gian phê duyệt thực hiện gấp cũng tạo nên nhiều áp lực trong triển khai nhiệm vụ. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài ảnh hưởng nhiều đến tiến độ đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cơ sở CNNT và chất lượng công tác phối hợp, tiến độ thực hiện, hiệu quả của đề án.

Vượt qua khó khăn, từ đầu năm tới nay, trung tâm tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNNT. Cụ thể, trung tâm đã thẩm định, báo cáo UBND phê duyệt nhiều đề án, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gốm sứ; Triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu thành phố Hải Phòng tại Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2021... Đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai thực hiện Đề án khuyến công quốc gia đã đăng ký thực hiện năm 2021… Ngoài ra, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công và kiện toàn, duy trì hoạt động mạng lưới khuyến công viên; thiết lập hệ thống khuyến công cơ sở; phối kết hợp với các tổ chức và cá nhân liên quan, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn khác để đẩy mạnh hoạt động khuyến công.

Năm 2020, khuyến công Hải Phòng hoàn thành 7 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 2,242 tỷ đồng, trong đó có 5 đề án khuyến công địa phương và 2 đề án khuyến công quốc gia.

Theo Báo Công Thương