Trước đây, với tư duy “ăn xổi” nhằm hạn chế nguồn vốn đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã áp dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất; Tập trung làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá mà chưa chú trọng tới chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thế nên đã dẫn đến thực trạng, doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhưng không bán được hàng, hoặc bán được hàng nhưng với giá cả thấp. Đứng trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến công Hà Nam đã chủ động xây dựng nhiều đề án đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Theo đó, chỉ riêng trong giai đoạn 2014 – 2021, Trung tâm Khuyến công Hà Nam đã dành hơn 44,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công trung ương và địa phương để tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn; Phối hợp hỗ trợ 02 mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sợi OE xuất khẩu và tấm nhựa xuất khẩu; Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Điển hình như tại Công ty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp (Cụm Công nghiệp Biên Hòa, huyện Kim Bảng), từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp hoàn thiện và tối ưu hóa được công nghệ sản xuất. Đến nay, các thiết bị của Công ty được hỗ trợ gồm: Máy nghiền gia vị quế (quế, hồi) và hầm thanh trùng tự động đã phát huy hiệu quả hoạt động cao. Bà Nguyễn Thị Hải Thủy – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp, cho biết: Chương trình khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi cải tiến dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa và đặc biệt là đa dạng các sản phẩm, cũng như nâng cao được chất lượng. Máy nghiền gia vị và máy hầm thanh trùng do Trung tâm Khuyến công Hà Nam hỗ trợ giúp làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng được những đơn hàng lớn. Được tối ưu hóa công nghệ sản xuất, giờ đây, Công ty chúng tôi tổ chức sản xuất quanh năm, thay vì chỉ sản xuất theo mùa vụ như trước đây. Nhờ vậy, đã đảm bảo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Đối với các cơ sở may mặc, chương trình khuyến công đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ứng dụng hệ thống máy lập trình tự động điều khiển bằng bảng vi tính điện tử. Công nghệ này giúp nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thời trang BTS (huyện Thanh Liêm); Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang.VN; Công ty TNHH May Lâm Mai (Tp. Phủ Lý)… tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nhân lực, hoàn thành vượt mức kế hoạch giao hàng cho đối tác, gia tăng đáng kể nguồn lợi nhuận.
Cụ thể, sau khi tìm hiểu thực tế sản xuất, Trung tâm Khuyến công Hà Nam đã hỗ trợ 07 máy lập trình cho Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang.VN. Trước đây, khi chưa sử dụng máy lập trình thì trong quá trình làm thủ công, doanh nghiệp phải cần tới 05 lao động, nhưng đến nay giảm chỉ còn 01 người. Hơn nữa, sản phẩm xuất xưởng đảm bảo chất lượng cao, hàng đẹp, đường may thẳng. Ông Đặng Hồng Tiệp – Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang.VN cho biết: Máy lập trình giúp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất lao động tăng từ 2 – 3 lần. Nếu như trước đây 30 công nhân làm được 200 sản phẩm/ngày thì nay đã tăng lên 400 – 500 sản phẩm/ngày. Đặc biệt, nhờ năng suất lao động tăng nên lương của người lao động cũng được doanh nghiệp trả cao hơn và đạt bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ hỗ trợ cho các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Hà Nam còn hướng tới việc hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tại địa phương như: Nghề sản xuất gỗ, thêu ren… Những đề án này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Liên Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Hà Nam, cho biết: Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn tạo ra những sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đẹp, ít bị lỗi và đạt chất lượng cao, làm tăng thêm uy tín, thương hiệu sản phẩm đối với thị trường trong nước, cũng như quốc tế. Từ đó, làm tăng các đơn hàng có giá trị cao, đặc biệt là thu hút được các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thông qua những lợi ích thiết thực của chương trình khuyến công, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Hà Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh để khảo sát, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định và phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đạt cao nhất. Đặc biệt, Trung tâm cũng sẽ chú trọng xây dựng các đề án khuyến công điểm quốc gia; Tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm để hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt sản xuất tại địa phương.
Theo Công nghiệp tiêu dùng