Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/ năm.
Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 45/70 cụm công nghiệp còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, thậm chí còn nhiều cụm công nghiệp (hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp) cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng. Các cụm công nghiệp này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư; kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách huyện nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Tuy kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa được nhiều nhưng bước đầu đã góp phần tích cực cùng ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng tháo gỡ khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng cụm công nghiệp thiết yếu, nhanh chóng thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, cũng như phát triển sản xuất kinh doanh.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh các cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ và quản lý chặt chẽ (12/25 cụm công nghiệp), còn có những cụm công nghiệp có hệ thống cơ sở hạ tầng sơ khai, công tác quản lý chưa tốt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và an toàn phòng, chống cháy nổ,...
Đa số các cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố, chủ yếu mang đặc thù là cụm công nghiệp làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình cụm công nghiệp tập trung. Hiện 45 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng còn thiếu các hạng mục hạ tầng cơ bản như: chưa có trạm xử lý nước thải; thiếu hệ thống điện chiếu sáng, nhà điều hành, vỉa hè, cây xanh, hệ thống giao thông nội bộ nhỏ hẹp,… Cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp. Một số cụm công nghiệp hạ tầng đã xuống cấp, công nghệ xử lý môi trường lạc hậu cần được cải tạo, sửa chữa nhưng thiếu vốn thực hiện, khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp đóng góp để đầu tư.
Nhiều cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống thu gom, bãi tập kết, phân loại, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa hoàn thiện đồng bộ, hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải không tách riêng; chủ các cơ sở hoạt động trong các cụm công nghiệp trực tiếp ký hợp đồng, bàn giao chất thải cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Tại các cụm công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, việc yêu cầu các doanh nghiệp đấu nối, thu gom vào hệ thống và việc xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn; đội ngũ nhân sự có trình độ, chuyên môn còn hạn chế, thiếu hệ thống quan trắc tự động,...
Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố trước đây phần lớn được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chủ yếu được xây dựng trước khi có Luật Phòng cháy chữa cháy nên việc thực hiện quy định về Phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng từ ban đầu (như trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện Phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn) còn hạn chế hoặc nếu có thì không đầy đủ.
Ảnh: Hoạt động sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phùng Xá
Nhiều cụm công nghiệp được hình thành trước đây với cách triển khai là giao đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vào đầu tư nhà xưởng trong khi chưa đầu tư hạ tầng hoặc thu tiền đóng góp xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất. Dẫn đến, hiện nay nhiều cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng nhưng chưa cho thuê được do vướng mắc về Luật Đất đai,...
Những yếu tố khó khăn, tồn tại nêu trên tại các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo rà soát hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, có phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong đó, ưu tiên bố trí vốn xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố; rà soát bổ sung Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ và Thông tư số 28/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương; qua đó tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp nói riêng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân, tạo việc làm cho lao động nói chung./.
Bài và Ảnh: Anh Tuấn-CCN