Thực tế, tỷ lệ lao động tham gia đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt thấp (chiếm 37,86%). Kết quả sau đào tạo nghề chủ yếu là người lao động tự tạo việc làm (chiếm 77,64%). Số lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chiếm dưới 11%. Đặc biệt, số lao động sau học nghề có việc làm đem lại thu nhập khá không nhiều.
HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chủ quan do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa sâu sát. Việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chính sách đào tạo nghề chưa hiệu quả, dẫn đến một số người đi học nghề chỉ nhằm hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn khó khăn dẫn đến năng lực đào tạo nghề hạn chế…
Để bảo đảm đào tạo nghề đạt chất lượng, sát thực tiễn, ngoài việc khắc phục các nguyên nhân trên, vấn đề cốt yếu vẫn là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Việc kiểm tra phải thường xuyên, liên tục, đột xuất đối với các cơ sở đào tạo nghề, nhằm bảo đảm việc tổ chức dạy và học đúng đối tượng, đủ thời gian theo chương trình đào tạo; đúng định mức, chế độ tài chính hiện hành, hiệu quả, tiết kiệm. Cùng với đó là việc giám sát công tác đánh giá hiệu quả sau đào tạo nghề của HĐND các cấp.
Làm tốt những việc trên, hy vọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.
Theo Langngheviet.com.vn