Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Công Thương có đại diện các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an), các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; tại điểm cầu các tỉnh, thành phố có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, Sở Công Thương và đại diện các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP của Chính phủ mới được ban hành đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phát triển CCN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cũng như thúc đẩy phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nội dung của 02 Nghị định nêu trên tiếp tục kế thừa các nguyên tắc, nội dung quản lý tại các quy định hiện hành của Nhà nước vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế và đang phát huy hiệu quả; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các nội dung, quy định không còn phù hợp, bảo đảm khả thi, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước hiện nay. Các Nghị định đã thể chế hóa được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; trong đó:
- Tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển CCN đến thành lập/mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; ban hành Quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về CCN,…, bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý CCN trên địa bàn.
- Tại Nghị định số 43/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn về đối tượng, tiêu chí xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”; thành phần hồ sơ thủ tục, quy trình xét tặng của từng cấp hội đồng theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các Nghệ nhân nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; đồng thời phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức công bố Quyết định phong tặng của Chủ tịch nước và Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ cư trú tại địa phương.
Mặc dù Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã cơ bản tháo gỡ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý thời gian qua, nhưng vẫn còn một số nội dung, đề xuất của các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan chưa được giải quyết triệt để ở các Nghị định này do chưa phù hợp với quy định ở các Luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan khác. Về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan trong thời gian tới.
Để triển khai, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Đối với các Bộ, ngành Trung ương:
- Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý CCN và xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Nghị định số 43/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN và thi đua, khen thưởng.
- Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị của địa phương, tổ chức, cá nhân về quản lý CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ để xem xét, giải quyết hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Nghị định số 43/2024/NĐ-CP mới được ban hành và các quan điểm, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp ở địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nắm chắc, hiểu rõ và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định mới của Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển CCN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và việc xét tặng, tôn vinh các Nghệ nhân có công đóng góp, bảo tồn, phát huy giá trị các nghề thủ công mỹ nghệ, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các nhiệm vụ quản lý CCN và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo thẩm quyền được quy định tại các Nghị định này; đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở và chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn trong chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, UBND cấp huyện triển khai thực hiện đầy đủ các quyền hạn, trách nhiệm được quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; Điều 9, Điều 14 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của Nhà nước.
- Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển CCN và nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, Nghị định số 43/2024/NĐ-CP và quy định khác có liên quan của Nhà nước để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN, các làng nghề truyền thống nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
- Hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP đối với việc thành lập các CCN có trong Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý CCN; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết hỗ trợ nhau vào cùng một CCN; nhất là các ngành công nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và có giá trị gia tăng cao vào đầu tư sản xuất tại CCN, bảo đảm phát triển bền vững.
- Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN (trong đó lưu ý phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định) và tình hình thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư; kiên quyết xử lý dứt điểm các CCN và các dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật tại các CCN trên địa bàn (như: Pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật khác có liên quan) để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung, quy định của các Nghị định này trên địa bàn cấp tỉnh.
- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền hạn, trách nhiệm quản lý CCN trên địa bàn theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; trong đó:
+ Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Phương án phát triển CCN, Quy chế quản lý CCN và các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn.
+ Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.
+ Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện Phương án phát triển và các cơ chế chính sách quản lý, phát triển CCN trên địa bàn; tổng hợp, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về phát triển CCN, đồng thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh về tình hình quản lý, phát triển CCN trên địa bàn; khẩn trương xây dựng, vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu về các CCN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý các CCN trên địa bàn.
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP.
Đối với Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
Cục Công Thương địa phương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện công tác quản lý nhà nước về CCN trong cả nước theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và thực hiện xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định số 43/2024/NĐ-CP; đồng thời, hướng dẫn UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, quản lý, phát triển CCN trên địa bàn và trong hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” của Hội đồng cấp tỉnh, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
- Khẩn trương xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.
- Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu về CCN trong cả nước; hướng dẫn Sở Công Thương cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu này.
- Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và Nghị định số 43/2024/NĐ-CP để đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý, phát triển CCN và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về tình hình công tác quản lý, phát triển các CCN trong cả nước và hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở các địa phương./.
CTĐP