Dự kiến được triển khai từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2023, Dự án Hợp tác kỹ thuật này hướng tới tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước với chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua việc sử dụng các cơ chế hỗ trợ được quy định trong luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách đối với công nghiệp phụ trợ.
Trong khuôn khổ của Dự án, DNNVV trong nước có tiềm năng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu -đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Dự án, sẽ nhận được những hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp để có thể nâng cao năng lực và đáp ứng được tiêu chuẩn của các doanh nghiệp công nghiệp quốc tế. DNNVV trong nước cũng sẽ nhận được những hỗ trợ gián tiếp thông qua các hoạt đông đào tạo được triển khai cho các đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV hoạt động cả ở khu vực công và tư nhân.
Đồng thời, dự án sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng việc cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV qua cổng thông tin của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV, phục vụ cho việc nâng cấp Cổng Thông tin hỗ trợ DNNVV quốc gia, qua đó hỗ trợ hình thành nền tảng kết nối kinh doanh giữa nhà cung ứng trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu ở Việt Nam.
Việt Nam tụt lùi so với phần lớn các nước khác trong khu vực ASEAN nếu xét về tỉ lệ nội địa hóa. Theo một cuộc khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 34,2% các nguyên vật liệu thô và phụ tùng đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước ASEAN ví dụ như Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%). Mặc dù Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng lợi ích mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là DNNVV còn chưa tương xứng.
Trong khi đó, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, cả nước có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về quy mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. DNNVV có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó các DNNVV đóng vai trò chủ đạo đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.
Tuy tăng mạnh về số lượng song khu vực DNNVV đang đứng trước những thách thức to lớn. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối với khu vực DNNNV để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành vào năm 2018 đã quy định một số chính sách cụ thể để thúc đẩy DNNVV tham gia vào các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW ban hành ngày 20/8/2019, Bộ Chính Trị cũng yêu cầu nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước bao gồm DNNVV với mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa từ 20-25% như hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Để góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ Nhật Bản thực hiện Dự án Hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy việc thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển công nghiệp phụ trợ. Thông qua các hoạt động của Dự án, các DNNVV trong nước được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, qua đó tăng cường kết nối kinh doanh giữa các DNNVV trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp nước ngoài, từng bước hỗ trợ DNNVV trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đối với JICA, Chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và phát triển công nghiệp thuộc một trong ba trụ cột của JICA trong Chính sách Hợp tác Quốc tế đối với Việt Nam. Ưu tiên của JICA là hỗ trợ việc nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý của các DNNVV, là đối tượng cơ bản của các ngành công nghiệp phụ trợ, hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược được nêu trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam.
Theo congthuong.vn