Những năm đầu thành lập huyện, ngành Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển kém, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập, năm 2007 toàn huyện có khoảng 751 cơ sở công nghiệp nông thôn, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 52.244 triệu đồng. Với xuất phát điểm thấp nên các sản phẩm của địa phương thời gian này không có tính cạnh tranh trên thị trường.
Là huyện có lợi thế tiềm năng về tài nguyên thiên cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sau gần 30 năm kể từ ngày thành lập, ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Hàng năm sản xuất ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng từ 15-18%, năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.928 tỷ đồng, toàn huyện có khoảng 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, một số ngành nghề có thế mạnh, mang đậm bản sắc của địa phương như mây tre đan ở xã Trà Cổ, Phú Điền, Nam Cát Tiên; Sản xuất hạt điều tại xã Phú Thịnh, Thanh Sơn; Gỗ mỹ nghệ ở Phú Thanh, Phú Sơn; Tinh dầu trầm hương ở xã Phú Trung,…cũng không ngừng phát triển và mở rộng, tạo công ăn việc làm cho không ít lao động ở nông thôn, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Tân Phú. Mặt khác, lưới điện hạ thế đã kéo đến tất cả các xã trên địa bàn, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn huyện đạt 99,9%. Đây là động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của huyện nhà.
Cùng với quá trình đô thị hóa Tân Phú, Khu ông nghiệp (KCN) Tân Phú được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 54 hecta, đến nay đã có 05 nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 90%. Đặc biệt KCN Tân Phú đã được Công ty TNHH ChangShin Việt Nam quyết định chọn là nơi mở rộng sản xuất với dự án xây dựng nhà xưởng có quy mô lớn cho khoảng 12.000 lao động phổ thông. Đến nay, tổng nguồn vốn các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Tân Phú đạt trên 113 triệu USD, sau khi Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam đi vào hoạt động sẽ nâng tổng số lao động địa phương làm việc trong KCN Tân Phú lên khoảng 17.000 người.
Với những bước đầu thuận lợi, trong thời gian tới để đón các nhà đầu tư huyện vừa đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng KCN Tân Phú lên tổng diện tích 300 hecta, đầu tư thêm một số hạng mục về hạ tầng giao thông tại KCN; đồng thời quy hoạch Cụm công nghiệp Phú Bình có vị trí nằm gần điểm giao giữa quốc lộ 20 và đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, giao thương thuận tiện, phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên phát triển chưa mạnh, việc đầu tư cải tiến công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ còn hẹp chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu được nhiều ra thị trường nước ngoài; Thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa thực sự thu hút lao động trên địa bàn.
Xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệpphát triển một cách bền vững và lâu dài sẽ góp phần giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã có những định hướng cụ thể, mang tính bền vững; Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, huyện tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Chú trọng đến công tác quản lý khu, cụm công nghiệp đúng theo quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư sau khi được cấp phép đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng và sớm đưa công trình vào hoạt động. Tăng cường khuyến công, phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và giải quyết việc làm. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng 15,18%/năm.
Đẩy mạnh hỗ trợ thông tin, cung cấp nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ổn định; Các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục mời gọi đầu tư của doanh nghiệp vào cụm công nghiệp với các ngành nghề thân thiện với môi trường. Đối với cơ sở ngoài cụm sẽ phát triển doanh nghiệp theo chương trình đồng khởi khởi nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị mới, mở rộng quy mô sản xuất. Thực hiện chương trình khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở phát triển sản xuất; Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh để đầu tư cải tiến trang thiết bị; khuyến khích các hộ phát triển hoạt động dịch vụ tại gia đình để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo Làng nghề Việt