Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội, tính đến nay huyện Ba Vì đã có 30/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% theo chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết của Thành phố. Đồng thời huyện cũng đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 30/30 xã, quy hoạch chi tiết khu trung tâm 30/30 xã, quy hoạch chi tiết 74 điểm dân cư nông thôn tại 27 xã… Dự kiến tỷ lệ diện tích phủ kín quy hoạch chung là 100%.
Về công tác văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực, đạt so với chỉ tiêu của huyện và Thành phố đề ra. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2023 là 83,64%, dự kiến năm 2025 đạt 96,4% (vượt chỉ tiêu của thành phố là 80%-85%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính hết năm 2024 đạt 85,3% (chỉ tiêu của thành phố giao là 75-80%). Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,35%, vượt mục tiêu đại hội huyện đề ra. Đến nay 31/31 xã, thị trấn duy trì đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã...
Vừa qua, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định 4 xã của huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao năm 2024. Trong đó có ba xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã: Sơn Đà, Phong Vân, Vạn Thắng và một xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Minh Quang.
Trong đó xã Sơn Đà và xã Vạn Thắng cùng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại một lĩnh vực là giáo dục và đào tạo. Đối với xã Phong Vân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở hai lĩnh vực gồm Y tế; giáo dục và đào tạo. Hiện nay, xã Phong Vân và Sơn Đà đều có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm, xã Vạn Thắng thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng/năm; cả 3 xã đều có mô hình "thôn thông minh"…
Qua kiểm tra thực tế và hồ sơ minh chứng của các xã, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã công nhận 3 xã: Sơn Đà, Phong Vân, Vạn Thắng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, đối với xã Minh Quang Đoàn công nhận là xã thuộc khu vực miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì và cũng là xã thuộc khu vực miền núi đầu tiên của thành phố Hà Nội đủ điều kiện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong những năm qua xã đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây cũng là mô hình điểm cần được nhân rộng đối với các xã miền núi khác trên địa bàn Thành phố.
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp, huyện Ba Vì có 31 xã, thị trấn, riêng khu vực miền núi có 7 xã với 76 thôn; đồng bào dân tộc thiểu số có 29.477 người/7.538 hộ (chiếm 37,1% dân số vùng dân tộc, miền núi). Mặc dù là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhận thức của bà con về chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua được nâng cao rõ rệt. Điều đó được thể hiện qua các hoạt động hiến đất làm đường, góp công góp của để cùng chung tay với chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp. Trong 5 năm qua, 7 xã miền núi của Ba Vì đã có 343 hộ dân hiến đất với tổng số 30.540m², trong đó diện tích đất thổ cư là 10.455m², chiếm 34% số diện tích đất hiến để làm đường và các công trình phúc lợi khác.
Xã Minh Quang là xã dân tộc miền núi của huyện Ba Vì có 40% là đồng bào dân tộc Mường, kinh tế chưa phát triển cao. Nhưng đây lại là xã miền núi đầu tiên được huyện Ba Vì chọn về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kết quả này có được là nhờ ý chí, quyết tâm cao độ từ chính quyền cấp xã đến thôn, xóm và đặc biệt là sự vào cuộc của bà con nhân dân địa phương đoàn kết, chung sức cùng nhau từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha, xã có diện tích tự nhiên lớn, với hơn 2.800ha; hơn 3.400 hộ dân sinh sống tại 15 thôn và có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2024, xã Minh Quang đã huy động được hơn 655 tỷ đồng thực hiện xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường. Trong nhiều năm qua, gần 1.000m² đất đã được nhân dân hiến đất làm đường… Tính đến nay, Minh Quang đã có hạ tầng khang trang; các hộ dân đều có nhà ở kiên cố, không có nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm và xã không còn hộ nghèo.
Thời gian qua, xã và các thôn đã tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, nên nhân dân hiểu và đồng thuận tham gia. Đến nay, các thôn trên địa bàn xã đều có đường hoa, cây xanh đẹp đẽ, xanh mát, mô hình phát triển kinh tế rất tốt, như: Thôn Lặt phát triển dịch vụ, thôn Minh Hồng phát triển làng nghề miến dong, thôn Xuân Thọ và thôn Pheo có truyền thống trồng rau.
Để phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích của phong trào đến từng địa bàn dân cư, từng đối tượng. Qua đó, tạo động lực phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí, quyết tâm xây dựng nông thôn mới khang trang, giàu đẹp.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ