Trên hành trình khám phá những bản làng ở Hang Kia, Pà Cò dịp gần đây, du khách có thêm một địa chỉ hấp dẫn, đó là làng nghề dệt thổ cẩm của người Mông. Khác biệt so với làng nghề của người Thái, người Mường, sản phẩm làng nghề dệt của người Mông được làm bằng cây lanh và cây chàm. Từ những nguyên liệu tự nhiên, người thợ phải qua nhiều công đoạn, thậm chí tỉ mẩn cả tháng trời mới làm ra được 1 sản phẩm. Anh Phàng A Páo - hộ làm du lịch cộng đồng ở Pà Cò cho biết: Cùng với các trải nghiệm thú vị như ngắm mặt trời mọc vào buổi sáng sớm, khám phá rừng già, thăm thú bản làng thì du khách, nhất là khách Tây rất thích đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm của người Mông. Họ ấn tượng với cách mà bà con làm ra sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công, hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Năm 2018, với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề dệt thổ cẩm Pà Cò - xã Pà Cò đã được công nhận. Thông qua hoạt động du lịch của địa phương, các sản phẩm làng nghề dệt ngày càng được nâng cao về chất lượng, giá trị thẩm mỹ, giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của khách du lịch, tạo diện mạo mới cho bản làng.
Du khách thăm quan, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu.
Từ lâu, HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu được cộng đồng biết đến với những hoạt động tích cực bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, cải thiện sinh kế cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: Muốn phát triển thị trường hàng hóa thì làng nghề, làng nghề truyền thống phải giữ được giá trị văn hóa cốt lõi thể hiện trên chính những sản phẩm làm ra. Sở dĩ, HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan là bởi tại đây, bản sắc truyền thống nghề dệt được giữ gìn, phương thức sản xuất vẫn theo cách ông bà ta ngày trước. Bên cạnh đó, chị em trong làng với bày tay khéo léo, óc sáng tạo còn đa dạng các sản phẩm túi xách, thú nhồi bông, gối, giày dép... đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Năm 2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm cho xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu. Từ đây, tiềm năng du lịch làng nghề thêm mở rộng, sản phẩm làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt hơn ở cả trong và ngoài nước. Bình quân thu nhập mỗi lao động tại làng nghề hiện đạt khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Riêng HTX dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu duy trì việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 20 chị em phụ nữ.
Theo ông Hà Công Soan, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn huyện được quan tâm thúc đẩy gắn với tuyên truyền người dân gìn giữ bản sắc vốn có để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập của cư dân vùng nông thôn.
Trong số 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận toàn tỉnh, huyện Mai Châu có 5 làng nghề: dệt thổ cẩm bản Lác, dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu - xã Chiềng Châu; dệt thổ cẩm xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò; dệt thổ cẩm xóm Nhót - xã Nà Phòn, làng nghề nấu rượu Mai Hạ - xã Mai Hạ. Một số nghề, làng nghề khác đang được nghiên cứu bảo tồn, phát triển gắn với du lịch trong những năm tiếp theo, đơn cử như xã Pà Cò đề xuất bảo tồn nghề rèn dao của người Mông. Trong cơ cấu phát triển kinh tế, huyện xác định sẽ giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp; tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ. Theo đó, việc bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch cộng đồng, đồng thời là sản phẩm du lịch mang lại thu nhập kinh tế, quảng bá bản sắc văn hóa đến du khách trong nước, quốc tế.
Theo langngheviet.com.vn