Ðến tháng 2-2024, TP Cần Thơ có tất cả 6/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Ðây là danh hiệu cao nhất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay. Tuy nhiên, xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, các xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch nâng chất từng tiêu chí, hướng đến NTM thông minh, bền vững.

Bước tiến dài

Nhìn lại chặng đường hơn 13 năm qua, ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM nói chung và xã NTM kiểu mẫu nói riêng, xã luôn coi nâng thu nhập, giảm nghèo cho người dân là một trong những mục tiêu hàng đầu. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 xã có 38 hộ nghèo, năm 2021 giảm còn 9 hộ nghèo và đến năm 2022 xã không còn hộ nghèo nữa. Ðể đạt được kết quả trên, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền vận động người dân tăng gia sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Ðặc biệt, xã cũng chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương; liên kết để tăng lợi thế cạnh tranh, tìm đầu ra cho nông sản. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 77 triệu đồng/người/năm.

Ðông Hiệp vinh dự trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Cờ Ðỏ. Trong niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Mến, Chủ tịch UBND xã Ðông Hiệp, bộc bạch: Ngoài việc hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí về NTM kiểu mẫu, thành quả nổi bật của Ðông Hiệp phải kể đến là những lợi ích thiết thực mang lại cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết, bức xúc của đại bộ phận cư dân nông thôn. Ðó là những tuyến đường xã, đường trục ấp, đường trục nội đồng được xây mới, cải tạo, sửa chữa khang trang, hiện đại. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo góp phần quan trọng cho cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Xã có 4 hợp tác xã, trong đó có 2 hợp tác xã hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, xã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như “Cánh đồng lớn”, vùng trồng thanh nhãn được cấp giấy chứng nhận mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và được cấp mã vùng trồng theo quy định.

Vừa được UBND thành phố ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023, xã Trường Thành, huyện Thới Lai tạo điểm nhấn khi xây dựng hình mẫu xã NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội “Cảnh quan môi trường gắn với tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”. Theo đó, xã xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, phù hợp với đặc điểm kinh tế, sinh thái, văn hóa của địa phương, có sự tham gia của cộng đồng. Ðến nay, Trường Thành có 70% tuyến đường được trồng cây xanh, trồng hoa dọc theo lề đường. Các mô hình phân loại rác tại nguồn của Hội LHPN, MTTQ, Hội Nông dân xã đã được triển khai trên 8 ấp góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Trường Thành còn có 4 hợp tác xã, trong đó, Hợp tác xã Sầu riêng Tân Trung Thành với diện tích 54,27ha, sản lượng trên 100 tấn/năm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chứng nhận VietGAP, cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc…

Liên tục nâng chất

Phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đã khó, việc giữ vững và phát huy thành quả này càng khó khăn hơn. Theo phản ánh từ các xã, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa phát triển theo kịp nhu cầu; việc huy động nguồn lực phục vụ nâng chất các tiêu chí còn nhiều khó khăn; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch và an toàn tại các xã còn chậm và chỉ mang tính nhỏ lẻ…

Từ thực tế đó, để nâng chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM kiểu mẫu, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: Xã tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng chất cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân; tập trung phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất an toàn, gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025… Ðặc biệt, thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu làm công tác tuyên truyền, vận động theo tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Theo ông Nguyễn Văn Mến, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nâng chất xã NTM kiểu mẫu Ðông Hiệp là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với huy động nguồn lực trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo đó, xã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, công trình văn hóa… tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn. Cùng với đó, thực hiện các mô hình tuyến đường kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, hộ gia đình có cảnh quan nơi ở “xanh, sạch, đẹp” phù hợp với đặc điểm từng khu dân cư gắn với vận động nhân dân đăng ký thu gom và xử lý rác thải…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng thí điểm mô hình NTM thông minh. Vì vậy, xã NTM kiểu mẫu của thành phố cần định hướng phát triển theo hướng NTM thông minh, bền vững. Đơn cử như, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thông qua phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; số hóa sản xuất và tiêu thụ nông sản; cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…  Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở những mô hình tốt, cách làm hay, có hiệu quả để kịp thời nhân rộng, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng.

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ