So với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thì các HTX trong lĩnh vực CN, TTCN có số lượng ít hơn, sản phẩm phải cạnh tranh ngoài thị trường nhiều hơn, nguồn lực đầu tư đòi hỏi lớn hơn… Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều HTX trong lĩnh vực CN, TTCN đã không ngừng nỗ lực vượt khó, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước vươn lên phát triển. HTX Nguyễn An Sơn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn là một ví dụ.
Được thành lập từ năm 2019, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may gia công túi đựng đồ cho siêu thị. Cụ thể, HTX liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết: Để triển khai thực hiện, HTX đã huy động nội lực của thành viên đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc và thuê nhân công lao động. Thời điểm mới đi vào hoạt động, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 35 đến 40 lao động và hiện nay, HTX tạo việc làm cho 60 lao động trên địa bàn huyện Bắc Sơn với thu nhập từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư nhà xưởng tại huyện Bình Gia và dự kiến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành, qua đó, sẽ tạo thêm việc làm cho từ 35 đến 40 lao động tại huyện Bình Gia. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại chỗ, hoạt động ổn định, hiệu quả, hằng tháng, HTX còn nộp ngân sách từ 35 đến 40 triệu đồng.
Tương tự HTX Nguyễn An Sơn Bắc Sơn, với sự nỗ lực, nhạy bén, HTX Chế biến lâm sản 1-5, huyện Tràng Định có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2016, sau khi thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, HTX Chế biến lâm sản 1-5 là HTX hiếm hoi trên địa bàn huyện Tràng Định còn duy trì hoạt động. Để có được kết quả đó, các thành viên HTX đã không ngừng nỗ lực, phát huy nội lực để phát triển. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc HTX cho biết: Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trên địa bàn huyện, cộng với việc chủ động nghiên cứu, tiếp cận thị trường, năm 2006, HTX được thành lập với ngành nghề chính là chế biến gỗ. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, vốn, những năm sau đó, HTX tiếp tục đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để nâng cao công suất cũng như chất lượng sản phẩm của mình. Hoạt động ổn định, đến nay, HTX tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006 – 2010.
Cùng với 2 HTX kể trên, trong những năm qua, nhiều HTX trong lĩnh vực CN, TTCN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong việc phát huy nội lực để đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX trong lĩnh vực này còn chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Bên cạnh việc phát huy nội lực của các HTX, các cấp, ngành liên quan đã có sự quan tâm, hỗ trợ. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản trị HTX, an toàn lao động trong HTX (giai đoạn 2011 – 2021 tổ chức 85 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 4.000 lượt cán bộ quản lý HTX, trong đó có các HTX trong lĩnh vực CN, TTCN); hỗ trợ 5 HTX vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Qua đó, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX trong lĩnh vực này không ngừng được nâng lên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 41 HTX hoạt động trong lĩnh vực CN, TTCN, tăng 29 HTX; tổng số lao động có việc làm thường xuyên trong HTX là 670 người, tăng 249 người so với năm 2001. Về hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu bình quân của 1 HTX trong lĩnh vực này được 1,2 tỷ đồng/năm, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2001; thu nhập bình quân người lao động được 50 triệu đồng/người/năm, tăng 45 triệu đồng so với năm 2001.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, bên cạnh việc phát huy nội lực của mình, các HTX trong lĩnh vực CN, TTCN cần có thêm sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp, các ngành, đặc biệt nguồn vốn. Từ đó, lĩnh vực này mới có thể phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.