Ngày 31/10, tại tỉnh Đồng Tháp, Cục Công Thương địa phương đã tổ chức Hội nghị bàn về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tham dự và chủ trì Hội nghị là ông Ngô Quang Trung, Cục Trưởng Cục Công Thương địa phương; bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Nguyễn Hữu Dũng Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp

Theo báo cáo từ Cục Công Thương địa phương, nguồn vốn đầu tư hạ tầng CCN những năm qua chủ yếu từ ngân sách, trong đó ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN là 410,770 tỷ đồng, triển khai 25 dự án.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2020, cả nước có 1.648 CCN với tổng diện tích 55.927 ha. Tính đến hết tháng 6/2019, đã có 862 CCN đã thành lập, trong đó có 318 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng; các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban Quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 683 CCN đi vào hoạt động, thu hút dự án đầu tư. Tổng diện tích đất công nghiệp của các CCN 14.722 ha, trong đó đã cho thuê 9.575 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%. Các CCN hoạt động thu hút được khoảng 10.139 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 229.194 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm 2018 của các dự án đầu tư trong CCN 72.743 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020 Chương trình Khuyến công quốc gia cũng hỗ trợ 36 đề án lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của 36 CCN tại 17 địa phương, tổng kinh phí hỗ trợ 64,321 tỷ đồng.

Cùng với nguồn vốn trung ương, một số địa phương cũng đã bố trí vốn cho đầu tư, phát triển CCN. Tổng hợp đến nay, có 23 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ của địa phương đối với CCN, trong đó, có 12 địa phương ban hành Chương trình riêng hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN do ngân sách địa phương đảm bảo. Một số địa phương đang tiến hành rà soát, xây dựng chính sách hỗ trợ CCN như: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Quảng Ngãi…Nguồn ngân sách địa phương chủ yếu hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư; giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ ngoài hàng rào CCN…

Tuy vậy theo Cục Công Thương địa phương, số vốn của cả ngân sách trung ương và địa phương đều chưa đáp ứng yêu cầu. Giai đoạn 2016-2019, ngân sách trung ương cũng mới đáp ứng được khoảng 7% tổng nhu cầu và bằng 8% tổng vốn hỗ trợ tối đa cho các địa phương theo quy định tại Quyết định số 351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Chương trình đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, CCN, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020). Định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho mỗi CCN cũng rất thấp, trong khi đó phạm vi các công trình, hạng mục CCN được sử dụng nguồn vốn hỗ trợ lại rất rộng dẫn đến bố trí vốn chưa tập trung, đầu tư manh mún và tính hiệu quả thấp.

Tương tự, nguồn ngân sách của các địa phương hạn chế dẫn tới số vốn đầu tư cho CCN thấp, thậm chí không đủ kinh phí để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển CCN đã ban hành. 

Trước khó khăn về nguồn vốn cho đầu tư, phát triển CCN, Cục Công Thương địa phương đề xuất các địa phương: Tiếp tục huy động các nguồn lực tổng hợp của mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển hạ tầng các CCN. Rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng các CCN trên địa bàn, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong việc đầu tư, phát triển CCN. Sửa đổi hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng NSĐP. Nội dung hỗ trợ từ ngân sách địa phương trước mắt ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu của CCN phục vụ di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Công Thương tiếp tục đầu mối chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN đảm bảo đúng tiến độ. Căn cứ pháp luật đầu tư công, khả năng cân đối ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về chương trình/chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách trung ương.

Arit-Moit

 

Tin đã đăng