Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chủ trì hội nghị.
Nhiều kết quả tích cực trong khó khăn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng- cho biết: Khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó Vùng Đông Nam Bộ (mà hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc tại Hội nghị
“Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX, năm 2023, được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 4 tháng cuối 2 năm 2023”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trọng công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Hội nghị cũng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại; tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nhà nước của các Sở Công Thương phía Nam ngày càng rõ nét và đi vào chiều sâu, giảm dần các hoạt động giải quyết các công việc mang tính sự vụ, sự việc. Công tác cải cách hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát huy hiệu quả.
Cụ thể, về công nghiệp, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn ổn định và phát triển sản xuất. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn khu vực năm 2022 đạt khá; có 13/20 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 7,8% (cả nước).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, tạo đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành khác phát triển.
Đa số các doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, hình thành nhiều chủng loại sản phẩm mới; doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, mở rộng nhà xưởng.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trong khu vực trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023 tiếp tục phát triển với tốc độ khá, có 15/20 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 trên 20%; thị trường sôi động, phát triển ổn định; hàng hóa phong phú, đa dạng, cung - cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng ngày được quan tâm. Hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực; đầu tư cho phát triển thương mại nông thôn chuyển biển tích cực, nhất là tiêu chí về chợ.
Đặc biệt Chương trình bình ổn thị trường, gắn kết với các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được nhân rộng, đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đòn bẩy quan trọng cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực; đồng thời, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã được nhân rộng đến vùng nông thôn, vùng dân cư và công nhân tập trung, góp phần đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Hoạt động xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành tiếp tục ổn định và phát triển. Mặc dù, vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, nên kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên.
Điển hình như tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 13,3%, đứng thứ nhất cả nước. Trong đó, ngành Công Thương đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội với giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tăng 10,87% so với cùng kỳ và đạt 72,4% so với kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,22% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 584 triệu đô, tăng 12%, so với cùng kỳ, đạt 79,27%. so với kế hoạch. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trên 30.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Thuận lợi và thách thức đan xen trong các tháng cuối năm
Theo Bộ Công Thương, năm 2023 ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp toàn khu vực đạt trên 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.232 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt 235,15 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu 130,05 tỷ USD, nhập khẩu 105,10 tỷ USD.
Tuy vậy trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn. Thêm vào đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Do đó để đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành Công Thương các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Theo đó, về lĩnh vực công nghiệp: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Về lĩnh vực thương mại: Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Về lĩnh vực năng lượng: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025, thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và dự án điện khí LNG…
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu kết luận tại Hội nghị
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương đến từ 20 tỉnh, thành phố phía Nam đã có những trao đổi và chia sẻ về những kết quả đạt được từ đầu năm đến nay; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế để từ đó có giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của ngành Công Thương.
Ảnh: Tăng Thị Hòa
Nguồn: congthuong.vn