Sáng ngày 10/7, tại TP Đồng Hới, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Quảng Bình tổ chức hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020. Dự và chỉ đạo Hội nghị về phía Bộ Công thương có ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương. Thành phần chủ chốt tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công thương; lãnh đạo Sở Công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 của các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Tiêu biểu, Ninh Thuận tăng 20,5%; Kon Tum tăng 14%; Quảng Trị tăng 5,7%; Quảng Ngãi tăng 5,2%; Quảng Bình tăng 5,1%; Khánh Hòa tăng 4,6%, Đắk Nông tăng 4,5%... Đây được nhận định là điểm sáng trong bức tranh của ngành Công Thương khu vực trong nửa đầu năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Không có được màu sắc tươi sáng như sản xuất công nghiệp, kết quả hoạt động thương mại giảm cả ở mảng nội địa và xuất nhập khẩu. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực đạt 341.097 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Một số tỉnh, thành phố có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhưng bị giảm so với cùng kỳ như: Đà Nẵng giảm 51,5%, Khánh Hòa giảm 38,9%, Thừa Thiên Huế giảm 21,6%, Quảng Ngãi giảm 8,8%... Kim ngạch xuất khẩu đạt 4.485 triệu USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ và đạt 44,5% kế hoạch năm 2020. Nhập khẩu đạt 2.820 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm 2020.

Cũng theo báo cáo , do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn và thu hẹp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử, da giày... Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg  ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 về cách ly xã hội nên các dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở bán lẻ hàng hóa... đều tạm dừng hoạt động do đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của nhiều tỉnh trong khu vực bị giảm sút so với cùng kỳ.

Phần lớn các tỉnh, thành phố trong khu vực điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn và chậm phát triển nên khó thu hút được các dự án lớn đầu tư phát triển sản xuất cũng như đầu tư về hạ tầng công nghiệp và thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế, trình độ công nghệ thiết bị còn thấp và chậm được đầu tư đổi mới nên năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ còn thấp, sức cạnh tranh yếu đã khiến bức tranh Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên nửa đầu năm 2020 không nhiều màu sáng.

Cũng theo Cục Công Thương địa phương, nửa cuối năm 2020 có nhiều yếu tố thuận lợi để các địa phương trong khu vực bứt phá trong phát triển kinh tế. Trong đó, Việt Nam đã cơ bản vượt qua dịch bệnh; nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng và phát triển được giữ vững đặc biệt là các yếu tố về tỷ giá, lãi suất lạm phát được giữ ổn định và đang điều hành chặt chẽ, linh hoạt; quá trình hội nhập tiếp tục diễn ra tích cực, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu đã được thông qua và đưa vào thực thi tạo động lực thêm cho sự tăng trưởng.

Những yếu tố này sẽ giúp khu vực hoàn thành mục tiêu những tháng còn lại của năm 2020. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 294.947 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm 512.783 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 427.227 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 768.324 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 10,17 tỷ USD, tăng 5,5%; nhập khẩu đạt 3,03 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 5,85 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.

Để đạt được các mục tiêu trên, Cục Công Thương địa phương đề nghị các địa phương trong khu vực tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp: Các địa phương tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với phát triển thương mại trong nước, tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường nội địa các tỉnh trong khu vực. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Thực hiện có hiệu quả xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại.

Về xuất nhập khẩu, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh, thành phố làm động lực thúc đẩy để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường…
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn trao đổi, phân tích những khó khăn, tồn tại và đề ra các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai phát triển công nghiệp, thương mại trong 6 tháng cuối năm 2020. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời, điện mặt trời áp mái đang được nhiều tỉnh, thành trong khu vực triển khai nhưng Bộ Công thương vẫn chưa có Bộ tiêu chuẩn để thực hiện. Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương đã trao đổi và giải đáp kiến nghị của các tỉnh, thành phố.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đánh giá các kết quả hoạt động của ngành công thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2020 trong diễn biến ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Để hoàn thành kế hoạch năm Thứ trưởng chỉ đạo: Các Sở Công thương cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Năng lượng tái tạo là vấn đề được Chính phủ khuyến khích, Bộ Công thương sẽ khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ nút thắt này để các tỉnh đẩy mạnh phát toàn diện các nội dung, lĩnh vực thuộc ngành công thương quản lý. Tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội giao thương với các thị trường tiềm năng nhằm tăng khả năng xuất khẩu; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của ngành công nghiệp tại địa phương như công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, ; công nghiệp cơ khí; sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng,...


Cũng tại Hội nghị, Bộ Công thương trao cờ đăng cai tổ chức hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2021 cho Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận.

TQL-KConline

Tin đã đăng