Thành phần tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam; về phía địa phương có đại diện Lãnh đạo một số Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương, một số Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế hạ tầng của các tỉnh/thành phố trong khu vực.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay: Khu vực phía Bắc có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước.
Khu vực này có tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú, đặc biệt là nguồn sinh vật biển tập trung ở ngư trường trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần phát triển ngành thủy sản.
Đồng thời, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy của Khu vực phát triển khá đồng bộ và liên tục được nâng cấp, đầu tư mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua: quốc lộ 5A, 5B và quốc lộ 18 là hai tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ nói chung với cụm cảng Hải Phòng – Cái Lân, sân bay quốc tế Nội Bài.
Bên cạnh đó, khu vực có tốc độ tăng trưởng GRDP cao so với cả nước, tiêu biểu có: GRDP trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, tăng 8,89% so với năm 2021; GRDP tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đạt đạt 269 nghìn tỷ đồng, tăng 10,28% so với năm 2021.
Với những đặc điểm, lợi thế cơ bản nêu trên, Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.
"Thành công của hội nghị sẽ là tiền đề cho sự gắn kết và phát triển ngành Công Thương các địa phương trong khu vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương và sự nghiệp phát triển ngành công thương của cả nước", Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.
Ảnh: Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023. Theo đó:
Về sản xuất công nghiệp: Năm 2022, 23/28 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 7,4%. 06 tháng đầu năm 2023, 16/28 tỉnh, thành phố có mức phục hồi trên 100% so với cùng kỳ năm 2022, là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022 (mức phục hồi của cả nước là 98,8% so với cùng kỳ năm 2022). Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành.
Về thương mại nội địa: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 của Khu vực đạt 1.954 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2021, gần bằng mức tăng bình quân cả nước (+21,67%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như: Lào Cai (+21,8%); Hà Tĩnh (+25,6%); Thái Nguyên (+26,1%); Nghệ An (+28,3%); Điện Biên (+31,5%); Bắc Ninh (+35%).06 tháng đầu năm 2023, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Khu vực đạt 1.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (+10,8%).
Về xuất khẩu: Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực đạt 214,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 57,79% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 12% so với năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (+10,05%). Một số tỉnh có mức tăng cao so với năm 2021: Lào Cai (+21,8%); Hà Tĩnh (+25,6%); Thái Nguyên (+26,1%); Nghệ An (+28,3%); Điện Biên (+31,5%); Bắc Ninh (+35%).06 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố Khu vực đạt 98,6 tỷ USD phục hồi 93,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước (87,9%). Trong đó, một số tỉnh, thành phố có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn cùng kỳ và chiếm tỷ trong lớn trong toàn khu vực là: Hải Phòng đạt 13,2 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 13,40%; Bắc Giang đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8%, chiếm 10,52%; Vĩnh Phúc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9,8%, chiếm 5,09%....
Ảnh: Phó Cục trưởng Dương Quốc Trịnh báo cáo tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, khu vực Công Thương địa phương vẫn còn một số hạn chế:
Trong 6 tháng đầu năm, còn một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm đã tác động đến thị trường xuất khẩu của nước ta thời gian qua. Ở trong nước, do nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến sức mua, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại thị trường trong nước, đòi hỏi trong thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngành năng lượng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong một vài thời điểm nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số địa phương, xảy ra thiếu điện ở một số địa phương phía Bắc gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt; thực hiện chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết về giảm phát thải tại COP26… còn chậm. Công tác xây dựng quy hoạch ngành (quy hoạch điện VIII, quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch hạ tầng xăng dầu và khí đốt) kéo dài do phát sinh những yếu tố mới cần phải tuân thủ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình; các quy hoạch có nội dung đan xen, phụ thuộc lẫn nhau khiến quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành bị chậm.
Công tác cải cách, xây dựng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; Hội nhập quốc tế về kinh tế tập trung nhiều vào chiều rộng, chưa tập trung đi vào chiều sâu; Khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; Công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, công tác phòng vệ thương mại cần được tiếp tục đẩy mạnh. Công tác ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt…
Hội nghị đã lắng nghe ý kiến phát biểu của các địa phương về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững Ngành Công Thương tại các địa phương; báo cáo Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Các kiến nghị đã được Thứ trưởng lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ảnh: Thứ trưởng BCT Phan Thị Thắng và đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì Hội nghị Ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực khu vực phía Bắc năm 2023.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương khu vực phía Bắc, trong 6 tháng năm 2023 đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của Ngành Công Thương. Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 là một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ Công Thương nhất trí nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo. Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.
Hai là, Các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các Định hướng phát triển 3 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ), Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, các Quy hoạch ngành Công Thương làm cơ sở xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; Bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử; Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Bốn là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…
Năm là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tăng cường phối hợp với ngành công thương địa phương để triển khai các chương trình, Kế hoạch, cũng như những hỗ trợ liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công tác khuyến công...
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống./.
ARIT