Ngày 15/8/2019 tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến dự và đồng chủ trì Hội nghị gồm có: Ông Hoàng Quốc Vượng-Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Ngô Quang Trung-Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và Ông Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai.
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu ngành Công thương năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019, cụ thể như sau:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) năm 2018 đa số các địa phương trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước là 10,2%, như Đắk Nông 15%, Kon Tum 14,4%...; trong khi 7 tháng đầu năm 2019 một số địa phương có chỉ số tăng cao là Kon Tum 16%, Đắk Nông 11,2%, Lâm Đồng 10,6%...
Giá trị SXCN (giá so sánh năm 2010) khu vực MT-TN không tính tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đạt 443.953 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017; tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, ước đạt 262.216 tỷ đồng, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm trước.
Về tiêu chí số 4 về điện, qua rà soát đến nay có 1.575/1.686 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, chiếm 93,42% tổng số xã của vùng, cao hơn bình quân chung cả nước là 90%; mục tiêu đến hết năm 2019, phấn đấu có 1.612/1.686 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 95,61%, cao hơn bình quân chung cả nước là 91%.
Về tình hình phát triển khu kinh tế, khu-cụm CN, tính đến hết tháng 7/2019 toàn khu vực có 13 khu kinh tế với tổng diện tích 364.247 ha, có 673 dự án đi vào hoạt động, có 57 khu công nghiệp với tổng diện tích 11.210 ha, có 1.651 dự án đi vào hoạt động và 234 CCN được thành lập với tổng diện tích 6.878 ha, xong chỉ có 207 CCN với tổng diện tích 5.787 ha đi vào hoạt động, tuy nhiên theo qui hoạch đến năm 2020, khu vực có 377 CCN với tổng diện tích 10.975 ha.
Về hoạt động thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nhờ Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu nên năm 2018 khu vực đạt 697.209 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017, thấp hơn mức tăng bình quân cả nước 11, 7%, chiếm tỷ trọng 15,86% so với cả nước; một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như Lâm Đồng 24,8%, Đắk Nông 19,3%, Ninh Thuận và Kon Tum 13,7%... Tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 444.622 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 56,9% kế hoạch năm 2019; trong đó có một số tỉnh tăng cao là Quảng Nam 19,1%, Lâm Đồng 18,8%, Bình Định 14,5%...
Tình hình xuất nhập khẩu toàn vùng (không có số liệu 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam) về kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 8.445,1 triệu USD, tăng 10,4% so với năm 2017, thấp hơn bình quân chung cả nước 13,8%, chiếm tỷ trọng 3,45% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó một số tỉnh tăng cao so với 2017 như Kon Tum 54,1%, Quảng Ngãi 29%, Lâm Đồng 19,7%...; nhưng 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5.384,5 triệuUSD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 59% kế hoạch năm 2019 với các địa phương có mức tăng cao như Quảng Ngãi 50,2%, Phú Yên 24,8%, Lâm Đồng 18%...; về kim ngạch nhập khẩu năm 2018 đạt gần 5.175,8 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2017; tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3.087,6 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ và đạt 61% kế hoạch năm 2019.
Về tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, qua rà soát đến nay có 1.151/1.686 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 68,27% tổng số xã của vùng, thấp hơn bình quân chung cả nước là 85,5%; mục tiêu đến hết năm 2019, phấn đấu có 1.251/1.686 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 74,20%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 87%.
Tình hình phát triển hạ tầng thương mại, tính đến tháng 7/2019, đã thực hiện đầu tư so với qui hoạch là 1.536 chợ (đạt 94,29%); 172 siêu thị (đạt 54,95%); 32 trung tâm thương mại (đạt 36,17%); 3.047 cửa hàng xăng dầu (tăng 42,51%); 4.181 cửa hàng LPG (tăng 2,2 lần); 7 tổng kho hàng hóa (tăng 2,3 lần); 02 trung tâm hội chợ triển lãm (đạt 14,28%); 01 trung tâm logistic và 02 kho ngoại quan.
Bên cạnh đó, các công tác quản lý nhà nước về: Quy hoạch, kế hoạch, xây dựng chương trình, đề án phát triển ngành Công thương; công nghiệp; năng lượng; kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp; an toàn thực phẩm; khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp; thanh tra, pháp chế; cải cách hành chính; liên kết phát triển vùng… đã được chú trọng và ngày càng dần được hoàn thiện, phát triển.
Hội nghị cũng đã nghe nhiều các tham luận, trao đổi, nhất trí đề ra 05 mục tiêu hành động, 05 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2019 và tạo tiền đề bứt phá tiến xa hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thời gian tới. Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã chuyển giao nhiệm vụ kế tiệp năm 2020 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình./.
NQ Huy