Chiều 13/10, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII, năm 2022.

Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 có sự tham dự của trên 400 đại biểu từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, bao gồm: Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị Bộ Công Thương; Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh; một số doanh nghiệp tiêu biểu,…

Giúp hoạt động khuyến công đạt hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, năm 2021, trong bối cảnh thế giới và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kinh phí thực hiện chương trình khuyến công phải cắt giảm 50% để phục vụ chống dịch, nhưng hoạt động khuyến công vẫn có những kết quả tích cực.

Theo Cục trưởng Ngô Quang Trung, công tác khuyến công được ghi nhận là một trong những điểm sáng, đóng góp đáng kể vào thành tích chung đạt được của toàn ngành Công Thương, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Đó là sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của cả tổ chức hệ thống khuyến công mà trong đó các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương, UBND cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng.

Tại hội nghị, các đại diện của một số Trung tâm khuyến công và doanh nghiệp của các tỉnh thành tại phía Nam đã tham luận về tình hình hoạt động, vai trò và giải pháp hoạt động khuyến công như: Các giải pháp hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19 và nâng cao chất lượng công tác khuyến công; Vai trò của công tác khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; Những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác khuyến công; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19; Vai trò của khuyến công trong tình hình mới; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới,…

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị

Qua đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2022, và những năm tiếp theo với mong muốn Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đề xuất một số vấn đề đang tồn tại của công tác khuyến công cùng với một số kiến nghị về giải pháp cho công tác khuyến công với Chính phủ để tạo điều kiện cho quá trình hoạt động khuyến công, giúp ngành kinh tế địa phương phát triển hơn.

Giải pháp cho hoạt động khuyến công

Từ những phân tích trên, phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Ngô Quang Trung cho rằng, để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2022 cần thiết phải đổi mới và đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, cụ thể:

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; Nghị quyết số 19-NQ/TW an Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công tác khuyến công lần đầu tiên được cụ thể hóa nội dung về đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Sở Công Thương xác định rõ vai trò, chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương, để việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Cần kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện.

Củng cố vai trò và tăng cường, xây dựng phát triển hệ thống mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã, tăng về số lượng và nâng cao về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động khuyến công.

Tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2023; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.

Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023, xây dựng các đề án điểm tạo hiệu ứng lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương; thúc đẩy liên kết tỉnh, liên kết vùng, tạo sự gắn kết để cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường trao đổi, chia sẻ, đồng thuận về quan điểm dựa trên phân tích các lợi thế so sánh và những yếu tố cần thiết.

Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương trao cờ đăng cai Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII, năm 2023 cho Sở Công thương tỉnh Hậu Giang.

Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp qua các phương tiện truyền thông truyền thống và trên các nền tảng số đảm bảo kiểm soát thông tin nhằm truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công.

Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sự nghiệp đang dần chuyển hướng, từng bước tự chủ về kinh phí hoạt động, các địa phương cần tìm và giải quyết điểm nghẽn để đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động linh hoạt để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của toàn khu vực tính đến tháng 9 năm 2022 là 102,2 tỷ đồng, tăng 61,7% so với kế hoạch năm 2021, trong đó: kinh phí khuyến công quốc gia là 36,5 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương là 65,7 tỷ đồng. Đến nay, hoạt động khuyến công của khu vực đã thực hiện được 38,4 tỷ đồng, đạt 37,6% kế hoạch năm.

Theo Báo Công Thương