Chiều ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII năm 2023.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đại diện UBND một số huyện của tỉnh Đắk Nông; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục CTĐP; một số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Nguyễn Văn Thịnh và Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông Nguyễn Bá Út đồng chủ trì Hội nghị.

Kết quả hoạt động khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Theo Báo cáo, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2022 của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 69,3 tỷ đồng đạt 95,6% so với kế hoạch năm. Trong đó: Khuyến công quốc gia (KCQG) tổng kinh phí thực hiện đạt 94,8% so với kế hoạch và chiếm 39,8% kinh phí khuyến công thực hiện toàn vùng; khuyến công địa phương (KCĐP) tổng kinh phí thực hiện đạt 96,1% so với kế hoạch và chiếm 60,2% kinh phí khuyến công toàn vùng. Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận...

Năm 2022, hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ xây dựng 04 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 314 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 04 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Trong đó: KCQG hỗ trợ xây dựng 03 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 61 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp.  KCĐP hỗ trợ xây dựng 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 253 cơ sở CNNT; hỗ trợ 04 cơ sở CNNT đánh giá sản xuất sạch hơn.  Đây là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ  các cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ 538 gian hàng tiêu chuẩn cho 368 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; xây dựng, đăng ký thương hiệu cho 32 cơ sở CNNT và 07 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT;... Bên cạnh đó, đã tổ chức đào tạo nghề cho 75 lao động, 100% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 340 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở CNNT; tổ chức được 07 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 320 đại biểu tham dự,...

Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) được 07/15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương của vùng thực hiện trong năm 2022, đạt doanh thu 11,2 tỷ đồng với 156 dự án, đạt 96,5% so với kế hoạch năm. Nhiều địa phương có nguồn thu cao từ hoạt động TVPTCN như: Lâm Đồng, Phú Yên, Thừa Thiên Huế. Nội dung TVPTCN chủ yếu trong các lĩnh vực như: Tư vấn xây lắp điện, năng lượng; tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây lắp; tư vấn các dịch vụ khác.

Năm 2023, theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022, trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch 28,4 tỷ đồng, chiếm 36,1% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch 50,3 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng kinh phí KCĐP kế hoạch năm 2023 và chiếm 63,9% kinh phí khuyến công toàn vùng. Thực hiện 9 tháng năm 2023, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG thực hiện đạt 64,4% kế hoạch năm; kinh phí KCĐP thực hiện đạt 54,9% kế hoạch năm.

Các nội dung hoạt động khuyến công của vùng theo kế hoạch năm 2023 tập trung thực hiện: Hỗ trợ xây dựng 05 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 282 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 01 cơ sở CNNT; Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 07 cơ sở CNNT; Hỗ trợ cho khoảng 826 gian hàng tiêu chuẩn cho 498 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp cho khoảng 301 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu 17 cơ sở CNNT; hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho 04 cơ sở CNNT. Tổ chức đào tạo nghề cho 110 lao động; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 250 người; tổ chức được 07 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 300 đại biểu tham dự.  

Theo báo cáo thực hiện 9 tháng năm 2023, hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ được 02 mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 129 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 03 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn; hỗ trợ được 312 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho 151 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký xây dựng đăng ký thương hiệu cho 09 cơ sở CNNT; 03 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm; 30 học viên được đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; tổ chức được 03 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 120 đại biểu... Hoạt động TVPTCN 9 tháng năm 2023 đã tư vấn cho 80 dự án, với doanh thu đạt trên 08 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Hội nghị các đại biểu đều thống nhất với báo cáo về tình hình hoạt động khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 và 9 tháng năm 2023, đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Các hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT... tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh đã khuyến khích các cơ sở thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn có một số hạn chế như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế; chưa tập trung khai thác lợi thế so sánh của vùng, địa phương theo chuỗi giá trị, có trọng tâm trọng điểm. Việc đăng ký kế hoạch chậm so với quy định.

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến suy giảm năng lực tài chính, sức cạnh tranh của các cơ sở CNNT và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các đề án. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công, do đó khó tạo ra xung lực cho phát triển CNNT.

Quá trình sắp xếp tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công tại một vài địa phương đang theo hướng không gắn chặt chẽ với yêu cầu nhiệm vụ có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn thời gian qua; nêu ý kiến về việc cần sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến công cho phù hợp với thực tế hiện nay cũng như đáp ứng được quá trình phát triển theo định hướng chiến lược đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, chính phủ trong bối cảnh tình hình mới; ý kiến về mô hình, cơ cấu tổ chức của Trung tâm khuyến công cấp tỉnh thống nhất trong cả nước… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác khuyến công trong thời gian tới.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch năm 2023

Ảnh: Cục trưởng Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung ghi nhận công tác khuyến công của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh để nắm bắt diễn biến tình hình của các đơn vị thụ hưởng trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Tuy  nhiên, với kết quả thực hiện của cả khu vực trong 9 tháng năm 2023 đạt 58,3% thì các đơn vị thực hiện công tác khuyến công của khu vực cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành kế hoạch năm.

Theo đó, Cục trưởng Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Các địa phương, đơn vị cần bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ, hiệu quả; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án; rà soát, đánh giá và có văn bản đề nghị điều chỉnh bổ sung kế hoạch kinh phí kịp thời.

Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2024, tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;

Triển khai các nhiệm vụ khuyến công theo mục tiêu phát triển công nghiệp vùng được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các vùng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công; tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển CNNT. Tăng cường các hoạt động TVPTCN, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương.

Cục trưởng Ngô Quang Trung cũng đặc biệt lưu ý: Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025; văn bản số 3384/BCT-CTĐP ngày 15/6/2022 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa nội dung về công tác khuyến công được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ở quy mô toàn quốc, đề nghị các Sở Công Thương, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT tập trung rà soát, nhận diện đầy đủ những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai các nội dung hoạt động khuyến công thời gian qua; nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ Công Thương hướng đi, nội dung mới trong Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công. Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

Ghi nhận và động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Ngô Quang Trung đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 5 tập thể và 2 cá nhân thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công năm 2022.

Cũng tại Hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ IX, năm 2024 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị.

QLKC

Tin đã đăng