Đa dạng sản phẩm
Ông Nguyễn Hợp Long – Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gỗ tại Hà Nội - mang đến hội chợ nhiều sản phẩm tinh tế do các nghệ nhân chế tác trên nền chất liệu gỗ quý, để nâng giá trị của sản phẩm lên mức tối đa. Giá trị sản phẩm từ vài trăm triệu đến tiền tỷ. Sản phẩm của doanh nghiệp hướng tới nhóm người tiêu dùng cấp cao, mang đi biếu tặng. Ông Long cho hay, hội chợ có nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu ở phân khúc trung bình. Do đó, đến với hội chợ này, phía doanh nghiệp mong muốn các sản phẩm tinh tế và khác biệt có thể đến được với mọi người. Bên cạnh đó, việc tham gia hội chợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng.
Người tiêu dùng tham quan hội chơ
Là cơ sở từ Nam Định lên tham gia gian hàng tại Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020, ông Nguyễn Văn Ngọ - Cơ sở sản xuất đồ gỗ Ngoan Hương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu) - chia sẻ, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, giá bán sản phẩm sụt giảm 20 - 30%, doanh thu cũng sụt giảm mạnh. Đến với hội chợ, phía cơ sở đưa đến các dòng sản phẩm như: Sập gụ, tủ chè và các mẫu bàn ghế mang phong cách xưa. Những sản phẩm này không chỉ phù hợp với nhà cổ mà còn được nhiều gia đình xây dựng theo phong cách hiện đại lựa chọn. Ông Ngọ cũng kỳ vọng, đây là cơ hội để giao lưu học hỏi, quảng bá sản phẩm của cơ sở với người tiêu dùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Với quy mô 300 gian hàng của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn TP. Hà Nội, Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất diễn ra từ ngày 5 - 14/10/2020 đã đón trên 6.000 khách tham quan, giao dịch. Các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ là những mặt hàng đồ gỗ, trang trí nội thất của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận, đáp ứng các tiêu chí: Đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách tham quan, giao dịch.
Ông Hoàng Minh Lâm – Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) - nhận định, hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện thuận lợi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thiết lập quan hệ. Người tiêu dùng có thêm kênh mua sắm, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Kết nối sản xuất với tiêu dùng
Việt Nam được đánh giá đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 4 thế giới về xuất khẩu nội thất. Thị trường lớn nhất của đồ gỗ và nội thất Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sự năng động đổi mới của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao tính ứng dụng cùng sự tinh tế, khéo léo của nghệ nhân, người thợ trong khâu chế tác sản phẩm đã giúp cho sản phẩm đồ gỗ nội thất ngày càng thuyết phục được người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của nước ta đang chịu tác động nặng nề. Các chính sách mạnh từ nhiều quốc gia được thiết lập nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu… đã khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ, thậm chí hủy bỏ. Không có đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành buộc phải ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc. Đến nay, thị trường vẫn chưa ghi nhận sự phục hồi cho dù dịch đã có dấu hiệu được kiểm soát. Thậm chí, dự báo đưa ra còn khá ảm đạm, bởi những tác động lâu dài đến kinh tế khiến sức mua giảm sút.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 đã thực hiện nhiệm vụ kép: Hỗ trợ cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất; hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Thủ đô, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành đồ gỗ và trang trí nội thất của Thủ đô đẩy mạnh công tác bán hàng, giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường đặc biệt là thị trường nội địa; tập trung mọi nguồn lực thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội theo Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND Thành phố.
Ngay tại hội chợ, nhiều đơn vị đã kết nối tiêu dùng - những người mua sản phẩm trực tiếp; kết nối giao thương với các đối tác, ký kết hợp đồng với khách hàng mới… Nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp đã nâng tầm được giá trị sản phẩm. Điều mà trước nay các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng nghề chưa làm được. Họ mới chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm với giá gia công, hay nói cách khác là lấy công làm lãi.
Sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ và sự hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện tối đa từ Ban tổ chức, Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 là “đòn bẩy” thiết thực hỗ trợ ngành đồ gỗ và trang trí nội thất của Thủ đô vượt qua thách thức, khó khăn, đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ra thị trường.
Theo: Congthuong.vn