Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, năm 2021, hoạt động khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống xã hội địa phương.

Thời gian qua, mặc dù tình hình KT-XH của tỉnh Thái Nguyên gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ nhiều năm. Nhưng với tinh thần chủ động và thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên vừa triển khai phòng chống dịch chặt chẽ, vừa chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn đỉnh xã hội. Đóng góp vào những thành công chung ấy, không thể không nhắc đến sự nỗ lực không ngừng và quyết tâm mạnh mẽ của ngành Công Thương Thái Nguyên. Bởi, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đang hoạt động ngưng trệ thì Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm Khuyến công) đã nhạy bén, chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị, thành phố để phổ biển rộng rãi các chính sách khuyến công. Đồng thời, Trung tâm còn chủ động xây dựng các đề án đầu tư máy móc, ứng dụng thiết bị hiện đại cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên cho biết: “Năm 2021 này, Trung tâm đã thực hiện 05 đề án khuyến công quốc gia theo nhóm với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, giới thiệu quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu cho các cơ sở công nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai thực hiện 33 đề án khuyến công địa phương mà nổi bật là về hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc cho các cơ sở sản xuất CNNT… Thông qua sự hỗ trợ này, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Từ đó, năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên rõ rệt, mở rộng thị trường và trên hết là giải quyết được việc làm cho lao động địa phương".

Điển hình như tại Hợp tác xã Nông sản nếp Vải Ôn Lương (xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), sau một năm thành lập và đúc kết qua kinh nghiệm sản xuất thực tế, Hợp tác xã nhận thấy sự cần thiết việc phải đầu tư, tiếp tục mua sắm mới hệ thống máy móc hiện đại trong chế biến nông sản để nâng cao năng lực sản suất, cũng như chất lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm trang thiết bị đối với một hợp tác xã mới thành lập là việc làm hết sức khó khăn, nhưng nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ gần 67 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên thì đến nay, Hợp tác xã đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư hơn 75 triệu đồng để mua mới hệ thống máy móc như: Máy rang, máy hút, máy giã, máy trà, máy đập, máy sàng lọc cốm… Do đều là những thiết bị tiên tiến và được sử dụng công nghệ điều khiển điện tử, cơ khí tự động, dây chuyền khép kín liên hoàn với năng suất cao nên chất lượng sản phẩm đầu ra ổn định hơn rất nhiều so với sản xuất thủ công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Năng suất lao động tăng hàng chục lần so với sản xuất truyền thống; Máy không gây ra tiếng ồn trong quá trình sản xuất, do vậy cải thiện được điều kiện làm việc cho công nhân, cũng như tiết kiệm điện năng, giảm sức lao động.

Bà Hoàng Thị Hồng Tú – Giám đốc Hợp tác xã Nông sản nếp Vải Ôn Lương cho biết: Từ khi Hợp tác xã chúng tôi được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư mới hệ thống các máy móc phục vụ cho quá trình chế biến nông sản thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Sản phẩm gạo Nếp Vải làm ra đạt chất lượng tốt nên đơn hàng tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh tăng lên. Hiện Hợp tác xã có 09 thành viên và đã đảm bảo thu nhập ổn định. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho Hợp tác xã Ôn Lương, cũng như nhiều hợp tác xã khác trên địa bàn.

 Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, năm 2022 sắp tới, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ như: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển làng nghề; Nâng cao năng lực quản lý; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác khuyến công, cũng như hoạt động truyền thông nâng cao ý thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tập trung dành kinh phí để xây dựng các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; Triển khai đề án đưa sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh đi tham gia các Hội chợ sản phẩm công nghiệp năm 2022…

 Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao năng lực triển khai các hoạt động khuyến công, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ trương chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Đảng, Nhà nước. Từ đó, các đơn vị sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

 Có thể thấy, thông qua các hoạt động hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm trong suốt thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã và đang thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, đổi mới công nghệ cho các đơn vị đang nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh đến học hỏi và mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

Theo Công nghiệp tiêu dùng