Phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân, lao động nghèo, đặc biệt càng phù hợp hơn đối với những địa phương có khu vực nông thôn miền núi. Với đóng góp vào ngân sách chung của tỉnh mỗi năm khoảng 0,4%, Hòa Bình mong muốn nhân rộng và phát triển mô hình kinh tế nòng cốt này. Tuy nhiên, làm thế nào để HTX thực sự “lột xác” và phát triển bền vững là bài toán khó, phải “gỡ” nhiều “nút thắt”...

Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) được coi là mô hình kinh tế tập thể nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, là điểm tựa để mở rộng các hình thức kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 Liên kết nông dân

Theo thống kê năm 2015, toàn tỉnh Hòa Bình có 324 HTX, tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, 200 HTX nông nghiệp, 62 HTX Công nghiệp – TTCN, 46 HTX Thương mại dịch vụ, 12 HTX Vận tải, 4 HTX Quỹ tín dụng nhân dân. Do còn nhiều bất cập, hiện tại trong số 324 HTX, mới chỉ có 37 HTX tiến hành chuyển đổi và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới.

Mô hình kinh tế tập thể HTX đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng phát triển sâu rộng trong cả nước. Theo đó, tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành những chính sách đồng bộ, tập trung hỗ trợ phát triển HTX, thể hiện sự quan tâm đúng mức đến thành phần kinh tế này. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 324 HTX ở các lĩnh vực, trong đó có 200 HTX nông nghiệp. HTX hình thành ngày càng nhiều hơn, là cầu nối giúp nông dân liên kết lại để cùng giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Hòa Bình Trần Văn Thành, mô hình HTX giúp mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, còn đóng góp thuế và các nghĩa vụ khác cho Nhà nước; thu hút đông đảo nông dân tham gia, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2015, toàn tỉnh Hòa Bình thành lập mới được 25 HTX; đăng ký, tổ chức lại được 24 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012. Doanh thu của các HTX đang hoạt động năm 2015 ước đạt khoảng 388.500 triệu đồng, bình quân 1.200 triệu đồng/1 HTX. Các HTX thu hút trên 32.200 thành viên, người lao động tham gia, trung bình mỗi HTX có 100 thành viên, người lao động; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt trên 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, HTX nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, nhất là những hộ nghèo. 200 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là kênh tiếp xúc trực tiếp với nông dân, nắm bắt được nhu cầu nguyện vọng và kịp thời cung ứng những dịch vụ phù hợp, chất lượng cao mà chi phí ưu đãi nhất - ông Thành cho biết. Cũng theo ông Thành, HTX khác với doanh nghiệp ở chỗ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến doanh số, lợi nhuận nhưng HTX lại quan tâm đến việc bố trí lực lượng lao động. Bên cạnh đó, HTX còn có rất nhiều loại hình dịch vụ mang lại hiệu quả cao mà không phải tổ chức nào cũng làm được như: Vệ sinh môi trường, quản lý nước sạch nông thôn, quản lý chợ, quản lý thủy lợi…

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt việc gia nhập TPP đã và đang đặt ra những thách thức lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp của nước ta. Người nông dân sẽ phải chịu nhiều chi phối từ cạnh tranh thị trường, biến động giá, chất lượng vật tư, dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông sản… HTX chính là cơ quan đại diện, cầu nối giúp giải quyết tốt hơn những vấn đề này.

Mở rộng sản xuất, kinh doanh

Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình làm cầu nối tạo mối liên kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Nông sản Hòa Bình và các HTX nông nghiệp trên địa bàn, giúp các HTX mở rộng ngành nghề kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động; tổ chức cho các HTX tham quan học tập kinh nghiệm, tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết, giới thiệu quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Liên minh HTX tỉnh cũng đã phối hợp với các  Sở NN - PTNT, TN - MT, KH - CN... chuyển giao các tiến bộ KHKT cho các HTX, đặc biệt là đối với HTX nông nghiệp.

Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, nông dân có đất, có lực lượng lao động tham gia sản xuất còn doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp và các HTX là rất cần thiết. Hỗ trợ của các ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp sẽ là bệ đỡ, tạo động lực phát thúc đẩy sự phát triển các HTX.

Đánh giá cao hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, HTX đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: Thông qua HTX, các đường lối, chủ trương được phổ biến cho nông dân; đồng thời giúp sản phẩm nông nghiệp tìm được “đầu ra”, “đầu vào” ổn định, các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng linh hoạt hơn. Ông Quang cũng cho biết, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX là tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. UBND tỉnh đã giao các sở, ngành hỗ trợ HTX trong thực hiện các nhiệm vụ, chức năng, triển khai chính sách. Cụ thể: Hỗ trợ tư vấn các HTX ứng dụng KHKT trong thực hiện chính sách; Sở KHCN giúp HTX ứng dụng KHCN trong xây dựng thương hiệu, tiến bộ giống cây trồng… Thực tế, liên minh HTX trên địa bàn hằng năm đóng góp hơn 0,4% vào ngân sách chung của tỉnh, phạm vi hoạt động ngày càng được mở rộng, khẳng định sự phù hợp của mô hình kinh tế này đối với địa phương”- ông Quang khẳng định.

Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất. HTX ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính quyền địa phương tham gia phát triển kinh tế: Hoàn thành các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... Mô hình kinh tế tập thể, HTX chính là chủ thể quan trọng trong chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để HTX phát triển bền vững là bài toán nan giải trong giai đoạn HTX đang gấp rút chuyển đổi sang mô hình mới.

 

Nguồn: daibieunhandan.vn

Tin đã đăng