Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận (trung tâm) đã hỗ trợ cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nho”.

Đề án có tổng kinh phí thực hiện 405,4 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư gồm: 1 thiết bị sấy bơm nhiệt, 1 máy làm viên, 1 tủ tiệt trùng. Thiết bị mới được đầu tư đã giúp cơ sở thay thế các công đoạn sản xuất bằng thủ công; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; gia tăng giá trị sản phẩm chế biến; mang lại hiệu quả sản xuất cao. Đồng thời, tiết kiệm chi phí nhân công lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề TTCN tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 với các nhiệm vụ cụ thể: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, gốm nung; tiếp tục tạo điều kiện phát triển nghề sản xuất sản phẩm từ mây tre, mộc và mộc mỹ nghệ. Đến năm 2020, ưu tiên hỗ trợ phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng; phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu là đặc sản của tỉnh như rượu nho, nho sấy, mật ong, măng khô…

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp thiết thực. Hàng năm, tỉnh tổ chức từ 1-2 lớp đào tạo nghề TTCN, tập huấn nghiệp vụ ngành nghề chế biến hải sản; hỗ trợ 1-2 doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì cho từng loại sản phẩm.

Đặc biệt đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ các ngành nghề TTCN hình thành 1-2 cụm liên kết cùng ngành nghề, trong đó ưu tiên hỗ trợ nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản, nước mắm. Song song với đó, quy hoạch và hình thành vùng nguyên liệu cho các ngành nghề này; thực hiện đầu tư hạ tầng cho các ngành nghề TTCN đang sản xuất…


KConline.