Hình 1: Đại biểu tham quan hoạt động của dây chuyền sơ chế và phân loại chanh
Tuy vậy, phần lớn các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ nên việc tiêu thụ chanh không ổn định, thiếu bền vững; ngoài ra chanh tươi chưa được sơ chế và phân loại cũng làm giảm giá trị chanh xuất khẩu. Đây là bài toán được đặt ra cho các nông hộ lớn, hợp tác xã cũng như các công ty thu mua và xuất khẩu chanh trên địa bàn tỉnh Long An. Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức là một trong những đơn vị ứng dụng cơ giới và khoa học kỹ thuật trong canh tác chanh có hiệu quả, hiện HTX trồng hơn 50ha chanh, trong đó có khoảng 17ha ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra HTX còn liên kết với nhiều nông hộ sản xuất, hàng năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hàng ngàn tấn chanh chất lượng cao.
Chanh sau khi thu hoạch thì sơ chế và phân loại là khâu rất quan trọng, góp phần tăng giá trị gia tăng cho quả chanh. Quá trình sơ chế và phân loại chanh cần nhiều lao động trong khi nguồn lao động tại chỗ ngày càng khan hiếm và chi phí cao. Để giải quyết vấn đề trên, Hợp tác xã đã quyết định đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh nhằm hiện đại hóa quá trình sơ chế và phân loại chanh nhằm khắc phục trở ngại về lao động; đồng thời, trái chanh cũng được phân loại đồng đều và chính xác hơn so với lao động thủ công.
Hình 2: Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX trao đổi với đại biểu tình hình tiêu thụ chanh
Dây chuyền sơ chế và phân loại chanh mà Hợp tác xã đầu tư là một nội dung được chính sách khuyến công hỗ trợ. Đề án được thực hiện với tổng kinh phí 603,35 triệu đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại Hợp tác xã đối ứng.
Đề án thuộc chương trình khuyến công quốc gia năm 2020 của Bộ Công Thương được Sở Công Thương tổ chức nghiệm thu ngày 14/9/2020 tại trụ sở của Hợp tác xã với sự tham gia của đại diện: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bến Lức, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức; UBND xã Lương Hòa, Báo Long An, Đài Phát thanh huyện.
Dây chuyền sơ chế và phân loại chanh cho năng suất tăng cao từ 2 - 3 lần so với làm thủ công; dây chuyền tự động, độ chính xác cao, tỷ lệ hao hụt thấp; sử dụng tiết kiệm 50% chi phí lao động, sản phẩm đầu ra được phân loại đồng đều. Đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng; dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại tiết kiệm điện năng, giảm ô nhiễm môi trường. Ông Trần Duy Thuận đánh giá: Dù xuất phát từ nông dân nhưng trong điều kiện hội nhập kinh tế, không còn cách nào khác Hợp tác xã và bản thân ông cũng như từng xã viên buộc phải chủ động và cố gắng hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh để tồn tại.
Hình 3: Ông Trần Duy Thuận báo cáo quá trình triển khai thực hiện đề án
Ông Thuận cảm ơn Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Long An đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ Hợp tác xã chủ động tiếp cận với chính sách khuyến công. Nguồn hỗ trợ từ chính sách khuyến công đã hỗ trợ Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh qua đó giúp HTX nâng cao năng lực hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh, sử dụng lao động có hiệu quả và có khả năng cung ứng khách hàng với số lượng tốt hơn.
Ông Phạm Văn Hường - Giám đốc Trung tâm KC và TVPTCN Long An đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của Hợp tác xã trong suốt quá trình triển khai thực hiện đề án; ghi nhận những cố gắng để hoàn thiện đề án đúng nội dung, tiến độ đề ra trong thời gian tương đối ngắn. Hợp tác xã đã cho thấy sự nỗ lực tích cực trong phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ngừng phấn đấu góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của trái chanh tại địa phương. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thêm trên một số lĩnh vực khác để giúp Hợp tác xã phát triển ổn định, bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị nông sản và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ..../.
Huỳnh Đức