Năm 2019, Đà Nẵng có 5 đơn vị được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư, lắp đặt máy móc, thiết bị từ Chương trình KCQG với tổng số tiền hỗ trợ 1,33 tỷ đồng. Ông Đặng Nam Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Tiến Hưng - cho biết, sự hỗ trợ từ chương trình là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Theo đó, công ty đã đầu tư hệ thống sản xuất tôn nhựa PVC - ASA với tổng mức gần 5,23 tỷ đồng; trong đó, kinh phí KCQG hỗ trợ 500 triệu đồng. "Những hỗ trợ thiết thực của Chương trình KCQG là động lực để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vươn lên, tạo thêm việc làm cho người dân" - ông Hưng nói và đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng được hỗ trợ để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách thiết thực này.
Tương tự, ông Trương Phú Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dana Plywood - chia sẻ: Dana Plywood rất vui mừng khi nhận được hỗ trợ máy móc từ Chương trình KCQG. Đây là lần thứ 3, đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Với sự trợ giúp đó, từ một doanh nghiệp nhỏ, đến nay, công ty đã dần khẳng định được vị trí của mình, sản phẩm của Dana Plywood đã có mặt tại thị trường Ấn Độ, Anh, Nam Phi, Thái Lan… đủ sức đứng vững trong bối cảnh thị trường gỗ ván ép thế giới cạnh tranh khốc liệt. Công ty xác định, muốn cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu, thị trường có độ mở cao, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, giảm sức lao động, tăng chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Với thiết bị được hỗ trợ là máy ép nguội, sẽ giúp tự động hóa trong sản xuất, độ chính xác cao, tăng thẩm mỹ cho sản phẩm, nâng năng suất sản phẩm tăng gấp 3 lần so với máy ép nguội thông thường. "Chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại để chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng" - ông Sơn đề xuất.
Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang - cho biết, sự hỗ trợ của Chương trình KCQG cho doanh nghiệp huyện Hòa Vang rất quan trọng. Doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách hỗ của chương trình trước đây đều hoạt động ổn định và phát triển tốt, phát huy hiệu quả của máy móc, thiết bị; nhiều doanh nghiệp đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia. Ông Hành đề nghị các doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp huyện Hòa Vang chủ động tìm hiểu chương trình, chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương cho doanh nghiệp năm 2020; chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể đủ điều kiện nhận được các hỗ trợ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về thành công của Chương trình KCQG, ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng - nói: Sở Công Thương và trung tâm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình xây dựng và phát triển. "Có những doanh nghiệp chúng tôi đã đồng hành được 10 năm, từ một doanh nghiệp siêu nhỏ đã trở thành thương hiệu có tiếng vang. Đơn cử, Cơ sở sản xuất bánh tráng Đại Cường đã xuất khẩu được sản phẩm sang nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan…" - ông Hạ nhấn mạnh.
Hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, vươn lên trong sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo congthuong.vn