Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) đến năm 2020 đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của địa phương. Hiệu quả chương trình đã lan tỏa rộng khắp, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT có thêm động lực phát triển.

Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công quốc gia. Quảng Trị tiếp tục xây dựng chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021- 2025

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) đến năm 2020 đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của địa phương. Hiệu quả chương trình đã lan tỏa rộng khắp, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT có thêm động lực phát triển.
 
Là cơ sở sản xuất bánh mỳ và các loại bánh ngọt lâu năm, có uy tín chuyên cung ứng cho nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Đông Hà, nếu không bị ảnh hưởng bởi COVID - 19, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh mỳ Thuận Thành của gia đình bà Mai Thị Thắm, ở Khu phố 9, Phường 1 sản xuất số lượng lớn gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại. Trong điều kiện khó khăn chung, ngoài làm bánh mỳ truyền thống, cơ sở của bà Thắm đã linh hoạt làm thêm các loại bánh như pizza, hotdog, bánh ngọt su kem…để đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo doanh thu để tiếp tục trả tiền công cho bốn lao động với số tiền 7 triệu đồng/người/tháng.
 
Bà Thắm cho biết, gia đình có truyền thống làm bánh mỳ hơn ba mươi năm nay, trước đây làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công rất vất vả, nhưng từ năm 2014, nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, gia đình bà đầu tư mua máy móc, lò điện phục vụ công việc. Từ đó đến nay, cộng với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay phụ nữ, bà đầu tư thêm máy cán bột, máy cắt mỳ lát…hiện đại hóa các khâu sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đa dạng hóa sản phẩm. “Thời điểm năm 2014, khi đó mới triển khai chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, gia đình tôi là một trong những cơ sở sản xuất được nhận hỗ trợ đầu tiên với số tiền 70 triệu đồng, chúng tôi đầu tư mua hệ thống lò điện và các máy móc khác phục vụ làm mỳ theo công nghệ hiện đại trị giá 140 triệu đồng. Chương trình đã hỗ trợ rất tích cực cho những hộ sản xuất nhỏ như gia đình tôi”, bà Mai Thị Thắm cho biết.

 Thực hiện Chương trình KCQG đến năm 2020, giai đoạn 2014 - 2020, tổng kinh phí sự nghiệp khuyến công là hơn 24,5 tỉ đồng, trong đó kinh phí khuyến công tỉnh hơn 10,9 tỉ đồng, KCQG hơn 13,8 tỉ đồng. Từ nguồn vốn chương trình đã tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 100 lao động, chủ yếu là đào tạo nghề trực tiếp cho doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nên chất lượng, hiệu quả đào tạo và tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo được nâng lên, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định ngay sau khi đào tạo.

Một trong những nội dung của hoạt động khuyến công được triển khai hiệu quả những năm qua là hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là nội dung hoạt động khuyến công thu hút nhiều cơ sở CNNT đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị sản xuất.
 
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2014-2020, ngành Công thương trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, 135 cơ sở sản xuất CNNT ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở vào cụm công nghiệp... Một số ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ như chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất, gia công máy móc, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm... Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn được hướng dẫn về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm hoặc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, bao gói đúng quy cách, xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho nước thải, chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy.
 
Ở cấp huyện, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động khuyến công cấp huyện với tổng ngân sách bố trí trong giai đoạn 2014 - 2020 hơn 14,5 tỉ đồng. Đông Hà là một trong những địa phương triển khai thực hiện chương trình khuyến công quốc gia hiệu quả. Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, với nguồn vốn hỗ trợ khuyến công các cấp và huy động xã hội hóa, trên địa bàn thành phố Đông Hà đã hỗ trợ khuyến công cho 37 đề án với tổng kinh phí thực hiện 6,5 tỉ đồng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình là nguồn kinh phí khuyến công tỉnh bố trí hằng năm còn thấp, chỉ đạt khoảng 65% so với quy định tại Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND (tính cả chi cho hoạt động bộ máy). Trong khi đó, nhu cầu hỗ trợ kinh phí khuyến công hằng năm của các cơ sở CNNT trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn. Bình quân hằng năm có khoảng 100 nội dung đăng ký (khoảng 4 tỉ đồng), do đó chỉ lựa chọn 20-25 đơn vị đưa vào đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công tỉnh theo nguồn kinh phí đã bố trí. Do đó mức đề xuất kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp thấp, chưa động viên, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đối ứng để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.
 
Anh Trần Đức, chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Thanh Lọc, ở Cam Nghĩa, Cam Lộ cho biết, năm 2018 cơ sở anh được nhận số vốn khuyến công hỗ trợ là 60 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và thiết thực trong thời điểm cơ sở của anh cần mở rộng quy mô sản xuất, tuy vậy, số vốn hỗ trợ chỉ mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu. Anh Đức cũng như các cơ sở CNNT mong muốn thời gian tới số vốn hỗ trợ khuyến công được tăng lên để các cơ sở mạnh dạn bỏ vốn đối ứng thực hiện các mô hình sản xuất mới.
 
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương, phát triển và xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng có chất lượng… là mục tiêu mà ngành Công thương đề ra khi xây dựng chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trong điều kiện nền sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh còn nhỏ bé, sức cạnh tranh chưa cao, do đó hoạt động khuyến công địa phương giai đoạn tiếp theo chủ yếu tập trung các nội dung khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất điển hình, đào tạo lao động, xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Ngành công thương đã đề xuất chương trình cụ thể cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT địa phương đầu tư phát triển sản xuất, tiếp cận ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, năng suất, phát triển sản phẩm mới”.

                                                                   

  TuanLa (st) Nguồn: baoquangtri.vn