HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG
Đề án điểm "Hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2019 – 2020", do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (trung tâm 1) triển khai, bắt đầu phát huy hiệu quả khi đã cải thiện đáng kể giá trị cho nông sản.      

Nông sản là thế mạnh của Việt Nam và luôn được xếp vào nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô của cả nước. Tuy nhiên, do được sản xuất ở quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu nên chất lượng sản phẩm không cao.

Nhiều nông sản có chất lượng tốt
Về chế biến, ngành nông sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, khi tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu cao từ 12 - 15%; với các loại hạt, rau quả từ 25 - 30%. Nông sản khi đưa ra thị trường chủ yếu chỉ được sơ chế, mới có khoảng 20 - 30% tổng sản lượng nông sản được chế biến sâu, do vậy giá trị hàng hóa mang lại không cao. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị chế biến còn lạc hậu, dẫn đến hiệu suất làm việc không cao, tăng giá thành làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Quan trọng là ngành nông sản chưa có được sự nhịp nhàng, đồng bộ giữa khâu sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Giá nguyên liệu lên xuống thất thường khiến việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu không ổn định diễn ra thường xuyên, với tần suất ngày càng dầy hơn.
Gỡ đúng điểm nghẽn
Nhằm gỡ một phần hạn chế trên, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm, năm 2019 trung tâm 1 đã xây dựng và triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm: "Hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2019 – 2020".
Cụ thể, trung tâm 1 đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm nông sản tại Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) và mô hình sản xuất hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH nông sản xuất khẩu Tấn Phát (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Trung tâm 1 cũng hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Kết quả, các mô hình trình diễn hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến đã bước đầu phát huy hiệu quả, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giá thành sản phẩm theo đó cũng cải thiện đáng kể.
Đáng lưu ý, trước khi triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, trung tâm 1 luôn phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức đánh giá hiện trạng công nghệ, đưa ra những giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp cho các cơ sở CNNT.
Với sự hỗ trợ mang tính đồng bộ và xuyên suốt, trung tâm 1 đang nỗ lực từng bước tạo ra sự thay đổi về chất và lượng cho nông sản. Song song với đó, trong các nhiệm vụ trung tâm 1 cũng lồng ghép, quảng bá, cung cấp thông tin tuyên truyền về sản phẩm. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản và sản phẩm nông sản sau chế biến.
Với những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2020 trung tâm 1 tiếp tục triển khai hoàn thành đề án điểm "Hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2019 – 2020". Ngoài ra, trung tâm 1 cũng thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ cho các cơ sở CNNT.
Năm 2020, bên cạnh ngành nông sản, trung tâm 1 tiếp tục triển khai xây dựng đề án điểm đối với ngành dệt may, cơ khí; thực hiện đề án nhóm đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng không nung…

Nguồn: Báo Công Thương