Ngày 15/12, tại Hải Dương, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo khoa học phổ biến các cam kết sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thông tin về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu. 
Tới dự và chủ trì có ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ cùng tham dự còn có đại diện Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với hơn 200 người đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ  ở các làng nghề các tỉnh miền Bắc.


Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chủ trì hội thảo.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết mở ra cơ hội cho doanh nghiệp các làng nghề Việt Nam trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống. Đồng thời, thách thức đặt ra cũng không ít đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với các làng nghề đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề hội nhập. 


Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Cùng với những nội dung liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra trong Hiệp định EVFTA. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình xem xét môi trường, thể chế đầu tư của Việt Nam.Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA. Các vấn đề về sở hữu trí tuệ được quy định tại Chương 12 của Hiệp định này với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ; đây cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Lý do bởi Châu Âu là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó việc tăng cường bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là nhu cầu cấp thiết của họ. Châu Âu cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ đặc thù này. Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.


Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Vi Khải, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cảnh báo về những thách thức liên quan tới rào cản kỹ thuật, nguyên tắc hàng rào thuế quan, quy định về sở hữu trí tuệ, thói quen truyền thống... do đó, hơn bao giờ hết “bài học và giải pháp bao trùm là ở nguồn nhân lực cần được nhận thức lại và đổi mới để có những thay đổi thiết thực và hiệu quả” – ông Khải đề xuất.

“EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần hướng tới nhu cầu của thị trường châu Âu, đó là sản phẩm thân thiện môi trường” – bà Vinh chia sẻ.

Trao đổi bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu chia sẻ, sản xuất kinh doanh gắn với du lịch là xu hướng phát triển bền vững và hiệu quả cho mỗi thương hiệu trong quá trình phát triển của từng địa phương cũng như mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển của Việt Nam hiện nay và nhu cầu đi du lịch mua sắm, du lịch làng nghề ngày càng cao. “Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch. Đó là sự phối kết hợp tất cả sản phẩm và dịch vụ khác nhau như: Du lịch, thể thao, nghệ thuật... liên quan tới điểm đến du lịch. Trên cơ sở đó, cộng với đánh giá tiềm năng điều kiện phát triển của Gốm Chu Đậu, ngày 27/8/2019, UBND tỉnh Hải Dương quyết định số 3009/QĐ/UBND công nhận làng nghề Gốm Chu Đậu là điểm du lịch của tỉnh Hải Dương. Gần đây, ngày 18/11/2020, công ty đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác về thăm quan, làm việc. Hiện, tập thể công ty quyết tâm xứng danh với 9 chữ vàng mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam” và 10 chữ vàng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng “Gốm Chu Đậu – Bản sắc Việt, tỏa sáng Năm Châu”. 


Theo LangngheViet.vn

Tin đã đăng