Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại, công nghiệp
Kể từ khi thành lập đến nay hệ thống pháp luật về thương mại và công nghiệp đã được Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm chú trọng hoàn thiện nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và toàn diện của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh doanh thương mại và công nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật Thương mại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Hóa chất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ...
Trong đó, Luật Thương mại đã thể hiện sự thay đổi nhận thức về vai trò của Nhà nước trong quản lý hoạt động thương mại, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế. Đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng khái niệm “hoạt động thương mại”, điều chỉnh đầy đủ cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, cả hoạt động nội thương và ngoại thương; ghi nhận nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận; việc kiểm soát được minh bạch thông qua việc cụ thể hóa các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Luật Thương mại cũng ghi nhận các hình thức hiện diện thương mại của nhà đầu tư nước ngoài theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.
Cùng với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2016 là đạo luật chủ đạo điều chỉnh hoạt động quản lý ngoại thương thông qua việc đảm bảo quy định bao quát tất cả công cụ quản lý ngoại thương; quy định cơ chế mở cho việc sử dụng, ban hành các công cụ quản lý ngoại thương mới trong tương lai để đảm bảo tính linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược ngoại thương và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, cân bằng lợi ích giữa hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến công cụ xúc tiến thương mại mới để nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến ngoại thương, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua năm 2004 và hiện là Luật Cạnh tranh năm 2018 đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của nền kinh tế và những đòi hỏi của tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, cụ thể là quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và hội nhập trong khuôn khổ ASEAN. Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành thay thế Luật Cạnh tranh 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2019, tiếp tục hoàn thiện, làm rõ định hướng của Nhà nước đảm bảo quyền tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, sự ra đời của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua, ban hành các văn bản pháp luật quan trọng, xác lập quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp vốn thuộc độc quyền nhà nước như Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...; thể chế hoá đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thúc đẩy những ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược như điện, khai khoáng, dầu khí, sản phẩm dầu khí dần dần từng bước chuyển đổi tiến tới cơ chế thị trường, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, đúng với tinh thần Nhà nước chỉ quản lý bằng pháp luật, quản lý qua các tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, quy hoạch sản xuất, Bộ Công Thương đã chú trọng công tác xây dựng hệ thống văn bản quản lý ngành theo hướng gỡ bỏ các rào cản hành chính cho đầu tư, sản xuất, lưu thông sản phẩm công nghiệp thông qua việc ban hành các quy chuẩn của sản phẩm, hạn chế các công cụ quản lý hành chính.
Thúc đẩy nội luật hóa các cam kết quốc tế
Bộ Công Thương, với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại có trách nhiệm thực hiện công tác đối ngoại liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Tính đến năm 2020, Bộ Công Thương đã tham gia ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế về thương mại và công nghiệp, trong đó có 84 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực thương mại và 38 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp còn hiệu lực. Trong đó, riêng trong giai đoạn 2009-2020, Bộ Công Thương đã tham gia ký kết 49 thỏa thuận quốc tế ở cấp Bộ.
Những cam kết mở cửa thị trường không chỉ giới hạn trong phạm vi thương mại hàng hóa mà còn bao gồm thương mại dịch vụ, thậm chí có thể cả đầu tư, dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở WTO, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản (2009), Chilê (2011), Liên minh hải quan Nga – Ca-dắc-xtan – Bê-la-rút (2015), Hàn Quốc (2015). Đối với các Hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật nhất là với Liên minh châu Âu (2019), Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khi tham gia vào thị trường kinh tế có quy mô trị giá 15.626 nghìn tỷ USD; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (2018), bao gồm 12 nền kinh tế với gần 500 triệu dân (chiếm 6.8% dân số thế giới), tổng sản phẩm quốc nội toàn khối đạt mức 10.2 nghìn tỷ USD (Việt Nam chiếm 2.3%) tại thời điểm ký kết ước đạt 13% GDP toàn cầu.
Một dấu ấn khác đó là Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP ngày 15/11/2020, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nền kinh tế lớn truyền thống - bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và NewZealand; ước tính quy mô nền kinh tế toàn khối đạt 25.8 nghìn tỷ USD (chiếm 29% tổng quy mô nền kinh tế toàn cầu), trong đó (Việt Nam chiếm khoản 1% so với toàn khối). Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục đàm phán các hiệp định khu vực và song phương với nhiều đối tác khác.
Liên quan đến việc nội luật hoá các cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản pháp lý nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý thực hiện các cam kết đúng lộ trình. Trong suốt quá trình đàm phán gia nhập và sau khi trở thành viên của WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn.
Đồng thời, cho đến nay, Việt Nam đã thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập WTO thông qua rà soát và điều chỉnh toàn bộ hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với cam kết. Đáng chú ý, qua đợt rà soát chính sách thương mại lần thứ nhất của Việt Nam trong khuôn khổ WTO diễn ra vào tháng 9/2013, Việt Nam được các nước thành viên WTO đánh giá cao nỗ lực hội nhập kinh tế của Việt Nam, sự nghiêm túc trong việc thực thi các gói cam kết gia nhập WTO, nổi bật là việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình và cải cách toàn diện lĩnh vực dịch vụ.
Trong suốt tiến trình thực hiện nhiệm vụ vừa qua, Bộ Công Thương đã không ngừng nỗ lực, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao phụ trách, các văn bản quy phạm pháp luật được trình/ ban hành đều tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh thương mại, tạo cơ sở đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, chống gian lận thương mại, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. |
Theo moit.gov.vn